Bởi lẽ, DN không có khả năng thanh toán chưa chắc đã phải do làm ăn thua lỗ.
Ngại chết đàng hoàng
Khả năng xử lý DN mất khả năng thanh toán rất hạn chế là một trong những yếu tố kéo lùi xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam trong báo cáo Ngân hàng Thế giới (WB) và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) vừa công bố.
Tính toán của WB và IFC cho thấy, thời gian để giải quyết một DN mất khả năng thanh toán lên tới 5 năm và tốn kém khoảng 15% giá trị tài sản.
Nhiều DN kinh doanh thua lỗ song khó làm thủ tục phá sản
Trong một cuộc họp bàn mới đây về Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh dẫn chứng thêm: “Chúng tôi có 2 DN làm thủ tục phá sản từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất”.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, tổng hợp các báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật Phá sản, có 55/95 điều trong Luật Phá sản có vướng mắc, bất cập và nhiều điều cần sửa đổi, bổ sung.
Luật Phá sản 2004 có nhiều hạn chế trong thi hành đang khiến nhiều DN đã dừng hoạt động song ít mở thủ tục phá sản. Riêng năm 2012, có 9.355 DN giải thể trong khi số ngừng hoạt động lên tới 44.906 DN.
Tổng kết 9 năm thi hành Luật Phá sản có 336 yêu cầu tuyên bố phá sản, nhưng mới chỉ có 83 quyết định tuyên bố phá sản.
Dự thảo còn “bước lùi”
Trong bối cảnh đó, Dự thảo Luật Phá sản được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội trong kỳ họp lần này vẫn còn khá nhiều vấn đề cần bàn.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định thật rõ ràng, cụ thể tiêu chí “không có khả năng thanh toán”, “các khoản nợ đến hạn” và “lâm vào tình trạng phá sản”. Bởi lẽ, DN không có khả năng thanh toán chưa chắc đã phải do làm ăn thua lỗ.
Ngược lại, một chuyên gia lâu năm trong ngành Ngân hàng nói “nhiều khi đợi đến hạn không có khả năng thanh toán mới được nộp thủ tục yêu cầu phá sản là đã quá muộn”, nhất là với khu vực tài chính - ngân hàng. Bởi trong thời gian này, chủ nợ, các đối tượng khác đã xâu xé tài sản. Vì vậy, có thể tính tới điều kiện yêu cầu phá sản khi DN mất cân đối tài khoản. Thêm vào đó, cần nghiên cứu cơ chế bảo hộ phá sản với những trường hợp đặc biệt.
Với yêu cầu phải nộp kèm theo đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản báo cáo tài chính hoạt động kinh doanh trong 3 năm liền kề (với CTCP thì báo cáo tài chính phải được tổ chức kiểm toán độc lập xác nhận), trên thực tế, nhiều DN đã lâm vào tình trạng phá sản thường không có tiền để thuê kiểm toán độc lập.
Về thẩm quyền của tòa án đối với việc giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, các luật sư và chuyên gia không thiên về việc giao cho tòa án cấp tỉnh. Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Cao Sỹ Kiêm cho rằng, đó là bước lùi. Theo ông, nên điều chỉnh theo hướng phân cấp cho những tòa án huyện có đủ điều kiện, vừa không chồng việc cho tỉnh, đồng thời khai thác được tối đa nguồn nhân lực.
Cần đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng Sau khi xem xét Dự thảo Luật Phá sản, NHNN đề nghị bỏ Khoản 2, Điều 2 và sửa Khoản 5, Điều 4. Theo đó, NHNN có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản TCTD sau khi đã chấm dứt áp dụng kiểm soát đặc biệt mà TCTD vẫn lâm vào tình trạng phá sản và TCTD không làm đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản. Trong trường hợp phải trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền tại TCTD theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với TCTD đó. NHNN kiến nghị 2 phương án sửa đổi Điều 6. Phương án một, đề nghị bổ sung Khoản 3 vào Điều 6: Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật Phá sản và quy định của Luật Các TCTD về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Các TCTD. Phương án hai, không bổ sung Khoản 3, Điều 6, nhưng đề nghị sửa đổi Khoản 2, Điều 54: Trong trường hợp TCTD được vay đặc biệt của NHNN hoặc TCTD khác theo quy định của Luật Các TCTD, khoản vay đặc biệt sẽ được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác, kể cả các khoản nợ có tài sản bảo đảm của TCTD. NHNN cũng cho rằng, Khoản 1, Điều 52 Dự thảo Luật Phá sản quy định thời điểm không tính lãi đối với các khoản nợ kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản là chưa hợp lý. Vì khi tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản không đồng nghĩa với việc DN, hợp tác xã đã bị phá sản. Các pháp nhân này vẫn có thể phục hồi hoạt động sau khi tòa án mở thủ tục phá sản. Mặt khác, thời gian để giải quyết một vụ việc phá sản có thể rất dài. Vì vậy, việc quy định không tính lãi đối với các khoản nợ của DN, hợp tác xã khi tòa án mới chỉ mở thủ tục phá sản DN sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ nợ nói chung và các TCTD nói riêng. Để đảm bảo quyền lợi cho các chủ nợ, NHNN đề nghị quy định thời điểm không tính lãi đối với các khoản nợ của DN là khi DN đó bị tuyên bố phá sản (tại thời điểm này mới chính thức chấm dứt sự tồn tại của DN), hoặc quy định thời điểm tính lãi sẽ do hội nghị chủ nợ quyết định. Trong trường hợp không có quyết định của hội nghị chủ nợ thì thời điểm không tính lãi là thời điểm DN bị tuyên bố phá sản. (Trích ý kiến NHNN) |