Dư nợ lĩnh vực không khuyến khích chiếm dưới 5% đến tháng 9/2012
Trong lĩnh vực ngân hàng, theo báo cáo, Chính phủ đã phê duyệt đề án cơ cấu lại các ngân hàng thương mại. Trong quá trình xử lý, thanh khoản của các ngân hàng được đảm bảo.
Về xử lý nợ xấu, Chính phủ đã triển khai các giải pháp như cơ cấu lại nợ, giãn nợ, xử lý nợ bằng dự phòng rủi ro, xử lý tài sản đảm bảo, mua bán nợ. Tuy nhiên, đến nay tiến độ xử lý còn chậm, kết quả hạn chế.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo việc thực hiện cơ cấu lại theo lộ trình các ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu. Đồng thời, tăng cường thanh tra giám sát hệ thống ngân hàng, xử lý nghiêm minh cá nhân vi phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Về chính sách tiền tệ, việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ góp phần kiểm soát lạm phát nhưng phát sinh hệ quả là sản xuất kinh doanh khó khăn. Lãi suất cho vay đã giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp thụ vốn, tăng trưởng tín dụng còn thấp. Để giải quyết vấn đề này, thời gian tới Chính phủ sẽ có giải pháp điều hành phù hợp, vừa kiểm soát lạm phát đi đôi với tăng trưởng tín dụng.
Về tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn: Chính sách tín dụng thời gian qua tập trung vốn cho lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện vay vốn cho các khu vực khó khăn, tập trung giãn, hoãn nợ một số lĩnh vực ưu đãi. Tuy nhiên, do nhiều nguyên ngân, giải pháp này chưa đem lại hiệu quả như mong muốn, doanh nghiệp vay vốn khó khăn, thực hiện còn chậm.
Về giám sát hoạt động tín dụng, chính sách tín dụng vừa qua tập trung theo hướng kiểm soát các lĩnh vực không khuyến khích cho vay, theo đó tín dụng cho vay bất động sản, chứng khoán được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Đến tháng 9/2012, dư nợ với lĩnh vực không khuyến khích chiếm 4,83% tổng dư nợ, thấp hơn nhiều mức hơn 14% cuối năm 2011. Trong đó, tỷ trọng bất động sản chiếm 3,42%, cho vay chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư chứng khoán chiếm 0,49%, tuy nhiên dư nợ bất động sản lớn, nợ xấu còn cao.
Về tỷ giá, việc điều hành tỷ giá thời gian qua phù hợp với tình hình chung, kết quả là tỷ giá hiện ổn định, từng bước giảm dần huy động - cho vay ngoại tệ trong thanh toán, dữ trự ngoại hối thời gian qua tăng cao.
Thị trường vàng thời gian qua đã hạn chế được đầu cơ, vàng hóa nền kinh tế, góp phần ổn định thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, thị trường vàng còn nhiều bất cập, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục theo dõi, sắp xếp lại thị trường vàng, xây dựng mạng lưới thu mua.
Chính phủ cũng đang xem xét ban hành đề án tái cơ cấu chứng khoán, bảo hiểm, dự kiến đến 2015 cơ bản hoàn thành việc cơ cấu lại doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm. Hoàn thiện lộ trình phát triển thị trường bảo hiểm 2011 - 2020.
Nguồn Khampha