Dư nợ lãi suất trên 15% chỉ còn chiếm 12,2%
Theo Thống đốc, lãi suất của các khoản cho vay cũ cũng giảm mạnh và thời gian tới sẽ tiếp tục giảm do từ đầu tháng 5/2013, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã cam kết giảm lãi suất của các khoản vay cũ về mức tối đa 13%/năm.
"Kết quả này đã làm giảm áp lực chi phí vay vốn của doanh nghiệp, người dân, qua đó hỗ trợ tăng tổng cầu của nền kinh tế", Thống đốc cho biết.
Cũng theo báo cáo của Thống đốc, tính đến cuối tháng 5 mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm 2-4%/năm so với đầu năm 2013. Lãi suất của các khoản cho vay mới đã giảm mạnh về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 và thấp hơn năm 2007 là điều kiện tốt để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng.
Tuy nhiên, lãi suất cho vay giảm mạnh trong khi tín dụng chưa tăng cao cho thấy lãi suất không còn là nhân tố ảnh hưởng tới lưu thông dòng vốn tín dụng và chu chuyển vốn trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc giảm nhanh mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, trong đó lãi suất cho vay giảm nhanh hơn so với lãi suất huy động đã khiến cho chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra của hệ thống ngân hàng giảm mạnh.
Hiện nay, chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra chưa tính đến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 3,03%; nếu trừ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng thì chênh lệch chỉ còn 1,93%, giảm so với mức 2,33%/năm tại thời điểm cuối năm 2012. Đây cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của các TCTD sụt giảm mạnh trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013.
Nguồn Dân Việt