Dư nợ của EVN lớn nhất khối tổng công ty nhà nước
Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, dự kiến đến năm 2020 nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện rất lớn khoảng 929.700 tỷ đồng, tương đương 48,8 tỷ USD. Tính bình quân mỗi năm ngành điện cần khoảng 4,9 tỷ USD.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trên thực tế, vốn đầu tư cho các dự án điện rất lớn, thời gian thu hồi vốn dài; ngành điện chưa thu hút được nhiều vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiệm vụ đầu tư phát triển ngành điện vẫn phần lớn do EVN và các đơn vị thành viên gánh vác. Trong khi đó, vốn tự có của EVN và các đơn vị thành viên chỉ có thể thu xếp được khoảng từ 20 đến 30% tổng mức đầu tư cho các dự án điện, còn lại chủ yếu là vốn vay.
Vì vậy, để đảm bảo được mục tiêu phát triển điện lực theo quy hoạch thì vai trò của nguồn vốn tín dụng ngân hàng là rất quan trọng.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nắm bắt nhu cầu vốn của EVN và tìm hướng tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án điện.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, đặc biệt 4 ngân hàng thương mại Nhà nước bố trí đủ vốn để cho vay các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Tổng số tiền các ngân hàng như Agribank, BIDV, Vietinbank và Vietcombank đã cam kết tài trợ lên tới 17.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% tổng mức đầu tư của dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La – công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn hỗ trợ rất lớn về ngoại tệ để dự án nhập khẩu thiết bị nước ngoài và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù áp dụng riêng cho dự án thủy điện Sơn La.
Đối với dự án thủy điện Lai Châu, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Vietcombank là đầu mối thu xếp đủ 14.500 tỷ đồng; nếu tính cả 6.000 tỷ đồng vốn ủy thác thông qua VietinBank thì tổng số tiền mà các ngân hàng thương mại cho vay đối với dự án là 20.500 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng hai dự án trên, số vốn các ngân hàng huy động để cho vay đã là 38.000 tỷ. Đây là lượng vốn rất lớn, thể hiện sự nỗ lực quyết tâm của ngành ngân hàng trong việc chung tay hiện thực hóa các công trình quan trọng của đất nước.
Vụ Tín dụng cho biết, trong giai đoạn thị trường khan vốn, lãi suất tăng cao, các ngân hàng thương mại đã không điều chỉnh tăng lãi suất cho vay, chia sẻ một phần lợi ích. Tuy nhiên, trong giai đoạn mặt bằng lãi suất hạ, cũng với quan điểm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nướcđã yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các hợp đồng đã ký. Nhiều doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp điện lực được các ngân hàng xem xét miễn giảm lãi suất và gia hạn nợ theo chủ trương để từng bước phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Chưa kể, ngành Ngân hàng đã ưu tiên bố trí vốn cho vay đối với các dự án, công trình điện, đặc biệt các dự án, công trình cấp bách, các dự án đảm bảo điện cho thành phố Hà Nội và đảm bảo điện cho khu vực phía Nam như: Trạm biến áp 220kV Thành Công, 220kV Tây Hồ, đường dây 220kV Hà Đông-Thành Công…
Tính đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép mức cấp tín dụng tối đa vượt 25% vốn tự có của 4 ngân hàng lớn đối với EVN và người có liên quan với tổng số tiền 96.452 tỷ đồng. Việc giải quyết vốn cho các dự án điện luôn được Ngân hàng Nhà nước đặt lên hàng đầu nhằm đáp ứng nhu cầu điện của nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành thu xếp vốn cho các dự án điện trong tất cả các khâu từ sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Đặc biệt là các dự án điện cấp bách, quan trọng quốc gia, các dự án sử dụng nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời...nhằm góp phần tạo điều kiện cho EVN và ngành điện thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Nguồn Vietnam+