Du lịch vui còn phải khỏe. Ảnh: danangfantasticity.com.

 
Tú Cẩm Thứ Năm | 03/12/2020 07:30

Du lịch vui còn phải khỏe

Du lịch chăm sóc sức khỏe là “mỏ vàng” cần được khai thác để tạo sức bật mới cho du lịch Việt Nam.

Khi dịch COVID-19 được giải quyết triệt để, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân các nước dự báo sẽ càng tăng cao. Lúc này, lĩnh vực du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe (wellness tourism) sẽ tăng trưởng mạnh.

Thị trường ngàn tỉ USD

Như hầu hết doanh nhân trong lĩnh vực du lịch lữ hành, dịch bệnh khiến Giám đốc Sunvina Travel Tạ Hữu Chiến buộc phải rời khỏi lối mòn tour tuyến cũ và năm 2020 trở thành thời điểm thích hợp để ông dồn toàn lực cho dự án ấp ủ trước đó: Phát triển dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe. 

Dự án Chăm sóc sức khỏe cộng đồng iHealing đến nay đã đào tạo được 1.000 thành viên và cấp chứng chỉ nghề cho 100 người. Ngoài ra, dự án này còn đang phát triển ứng dụng iHealing nhằm kết nối khách hàng có nhu cầu chăm sóc sức khỏe với các chuyên gia, spa, phòng khám đông y... Việc sử dụng ứng dụng để đặt dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà vừa giúp giảm tải cho các cơ sở, bệnh viện, vừa hạn chế lây nhiễm chéo, tiện lợi cho khách hàng và tạo ra nhiều việc làm.

 

“Dự án đặt mục tiêu đến tháng 6.2021 sẽ đào tạo được 10.000 chuyên viên đạt chuẩn; 5 năm tới, sẽ phát triển khắp 63 tỉnh, thành phố, sau đó mở rộng ra các nước trong khu vực và thế giới. Bên cạnh phát triển đội ngũ chuyên viên, chúng tôi còn hướng tới cộng đồng hướng dẫn viên, những người gần gũi với du khách trong suốt hành trình tour.

Khi trở thành chuyên viên, họ sẽ chăm sóc khách hàng tốt hơn và có thêm thu nhập từ việc chăm sóc khách hàng, phát triển cài đặt ứng dụng, bán dược liệu”, ông Chiến cho biết. CEO Sunvina Travel kỳ vọng sau khi đào tạo đủ lượng chuyên viên, Sunvina Travel và Hadoo iHealing sẽ kết hợp với các khu nghỉ dưỡng, điểm đến du lịch để tạo ra những tour du lịch chăm sóc sức khỏe chuyên biệt phục vụ du khách suốt hành trình tour, kể cả khi di chuyển và tại điểm đến.

Những sản phẩm du lịch sức khỏe phổ biến trên thế giới hiện nay là du lịch nghỉ dưỡng đi kèm tham gia các khóa tập thể dục dưỡng sinh, thiền, Yoga, spa, tắm khoáng nóng phục hồi sức khỏe, cai thuốc lá, giảm cân... Theo ước tính của Global Wellness Institute (GWI), ngành du lịch wellness toàn cầu sẽ chạm mức 919 tỉ USD vào năm 2022. Trung bình, cứ 6 USD chi tiêu cho du lịch trên toàn cầu thì 1 USD thuộc về thị trường wellness. Trong vòng 5 năm qua, châu Á dẫn đầu về cả số lượng chuyến đi lẫn doanh thu du lịch wellness.

Áp dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch và y tế đang dần trở thành một xu thế kết hợp đem lại giá trị cao. Công nghệ sẽ giúp ngành y tế tạo lập chuỗi giá trị, chăm sóc sức khỏe con người từ tất cả các khía cạnh liên quan như thói quen sinh hoạt, ăn uống, tập luyện, bổ sung các chất thiết yếu, phòng bệnh, chữa bệnh... một cách đơn giản, chính xác và ít tốn kém nhất. Các phần mềm có thể kết nối với hệ thống chẩn đoán các chỉ số về chức năng chuyển hóa trong cơ thể và đưa ra lựa chọn các điểm nghỉ dưỡng phù hợp nhất, cũng như những lựa chọn điều trị để người bệnh được điều trị tốt nhất.

 

Trong khi đó, công nghệ chế tạo kỹ thuật số đang tương tác với công nghệ sinh học trong cuộc sống hằng ngày; các kỹ sư, nhà thiết kế và kiến trúc sư đang kết hợp thiết kế trên máy tính với những loại vật liệu mới, các kỹ thuật sinh học tổng hợp để tạo ra các sản phẩm kết hợp của vi sinh vật với cơ thể con người, với sản phẩm con người tiêu thụ và thậm chí ngay cả những điều kiện cơ bản liên quan đến môi trường sống.

Đối tượng khách của wellness tourism phần lớn là người trung niên, có thu nhập cao. Đây là lý do khiến nhiều nước trên thế giới tập trung phát triển du lịch sức khỏe. Tiêu biểu là Nhật với thế mạnh về spa khoáng nóng, Trung Quốc, Hàn Quốc với ngành Đông y, Ấn Độ với thiền, Yoga.

Phép thử cho Việt Nam

Việt Nam nhờ sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng với nhiều bãi biển, suối khoáng, dược liệu phong phú, cũng được đánh giá cao về tiềm năng phát triển wellness tourism. Từ Bắc vào Nam ngày càng nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn 5 sao dành không gian để phát triển hệ thống tiện ích chăm sóc sức khỏe đồng bộ. Bên cạnh đó, một số công ty lữ hành cũng đã xây dựng những sản phẩm du lịch chuyên biệt về chăm sóc sức khỏe như tour thiền - Yoga - giảm cân.

 

Tuy nhiên, nhìn tổng thể sẽ thấy du lịch wellness vẫn chưa thật sự phát triển bài bản ở Việt Nam. Phần lớn sản phẩm du lịch sức khỏe thời gian qua chủ yếu do các đơn vị nghỉ dưỡng cung cấp tại chỗ. Hiện chưa có đơn vị chịu trách nhiệm, thẩm định chất lượng những chương trình du lịch này. Bên cạnh đó, du lịch chăm sóc sức khỏe cũng đòi hỏi đội ngũ phục vụ chuyên biệt và chuyên nghiệp hơn, cho nên để bảo đảm cung ứng chất lượng dịch vụ tốt, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng phù hợp.

Nhìn sang các nước xung quanh, bên cạnh việc đẩy mạnh quảng bá xúc tiến và hoàn thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ, ngành du lịch sức khỏe ở các quốc gia này còn rất quan tâm vấn đề nâng cao và bảo đảm chất lượng cung ứng dịch vụ. Chẳng hạn Bộ Du lịch Ấn Độ đã phối hợp Ủy ban Chứng chỉ nghề dịch vụ chăm sóc sức khỏe để thường xuyên thẩm định chất lượng các trung tâm chăm sóc sức khỏe trên toàn quốc và cấp chứng chỉ. Hay Ủy ban Môi trường Nhật cũng quy định các cơ sở tắm khoáng nóng vài năm phải nộp mẫu nước xét nghiệm một lần và báo cáo kết quả tới khách hàng.

Thực tế cho thấy, trong phát triển du lịch sức khỏe, vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm du lịch phải là yếu tố đặt lên hàng đầu. Và muốn làm được điều này, chắc chắn không chỉ cần tới đội ngũ làm du lịch, mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị có thẩm quyền về y tế, tài nguyên môi trường... Điều đó không chỉ giúp bảo đảm chất lượng dịch vụ mà còn là phương thức hữu hiệu để xây dựng và khẳng định thương hiệu của du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, biến hình thức du lịch này thành thị trường tiềm năng, mang đến giá trị tăng trưởng lớn cho toàn ngành