Du lịch trực tuyến nằm trọn trong tay doanh nghiệp ngoại
Du lịch trực tuyến mỗi năm tại Việt Nam tăng trưởng hàng trăm triệu USD. Song giá trị của thị phần này lại khoảng 80% nằm ở các trang hoặc của các doanh nghiệp nước ngoài.
Không đi kịp xu thế?
Đặt tour đi Hàn Quốc qua mạng nhưng rồi anh Đinh Thành Quang (Thành phố Vinh, Nghệ An) vẫn phải đi từ Vinh ra công ty lữ hành để xác thực thông tin và thanh toán. Đổi lại, doanh nghiệp vẫn phải duy trì đội ngũ tư vấn khiến tăng chi phí. Đây là một trong số những rào cản khiến du lịch trực tuyến ở Việt Nam chưa thực sự kết nối trọn vẹn với khách hàng.
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 30.000 doanh nghiệp du lịch, 100% các doanh nghiệp du lịch đã quan tâm sử dụng Internet trong hoạt động quảng cáo và kinh doanh. Tuy nhiên, việc đầu tư mới chỉ nửa vời, tốc độ kết nối kém, thông tin còn nghèo và chưa theo kịp nhu cầu của khách hàng. Chính vì thế, 80% doanh thu du lịch trực tuyến hiện vẫn là các trang mạng nước ngoài như Agoda, booking.com hay Traveloka nắm giữ.
Các dịch vụ du lịch trực tuyến các công ty nước ngoài đang khai thác tốt tại thị trường Việt Nam |
Cũng theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, sở dĩ du lịch trực tuyến còn chậm phát triển vì hành lang pháp lý chưa hoàn thiện. Đồng thơi, chưa có chính sách khuyến khích du lịch trực tuyến phát triển.
Không chỉ các công ty du lịch, nhiều khách sạn giờ cũng có riêng một bộ phận phụ trách mảng dịch vụ online, nhận các đơn đặt phòng qua website hoặc các trang mạng xã hội. Giá cả ưu đãi hơn khi khách đặt phòng qua mạng.
Đại diện một số doanh nghiệp du lịch Việt chia sẻ, việc đầu tư cho trực tuyến tại Việt Nam thời gian qua còn chậm là do chính các doanh nghiệp chưa chú trọng. Tốc độ kết nối kém, thông tin còn nghèo và chưa theo kịp nhu cầu của khách hàng và cần thay đổi.
Các chuyên gia du lịch chia sẻ, bên cạnh việc đầu tư vào Marketing Online, việc kết nối thanh toán trực tuyến giữa các bên cũng là điều mà các công ty du lịch cần tập trung. Bởi hiện nay, việc khách hàng muốn tự đặt phòng, tự mình lên tour, tự đặt vé và đặt phòng sẽ ngày càng là xu hướng trong tương lai, bởi 88% khách du lịch tại Việt Nam hiện đã và đang tra cứu thông tin qua mạng.
Hơn 34% du khách Việt sử dụng internet để book dịch vụ du lịch
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2017 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6 triệu lượt khách, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Mới đây Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đánh giá du lịch nước ta đạt mức tăng trưởng vào loại cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, năm 2016 Việt Nam chỉ đứng thứ 5 trong các nước ASEAN về số lượng khách quốc tế với hơn 10 triệu lượt và chỉ bằng một phần ba so với Thái Lan.
Xu hướng tìm kiếm trực tuyến trong 3 tháng tới, du lịch đều ở vị trí được quan tâm |
Bởi Việt Nam chưa thực sự chủ động triển khai du lịch trực tuyến. Du lịch trực tuyến chưa đồng hành xứng tầm với Vẻ đẹp bất tận của đất nước chúng ta. Tại Việt Nam, tỷ lệ khách du lịch sử dụng internet để đặt các dịch vụ du lịch mới chiếm 34% trong đó chủ yếu vẫn là hình thức book dịch vụ trực tiếp với nhà cung cấp.
Theo báo cáo của Nielsen tại "Ngày Du lịch trực tuyến" được tổ chức mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, cách thức tiếp cận trực tuyến sẽ ngày càng quan trọng với ngành du lịch.
Chính vì vậy việc đẩy mạnh hình thức du lịch trực tuyến này là xu hướng tất yếu tại Việt Nam trong thời gian tới đây. Trong Luật Du lịch mới được Quốc hội thông qua vào 2017 cũng dành phần để hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch. Tổng cục Du lịch cũng đang đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Thông tin riêng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch.