Du khách khi tham gia du lịch thiện nguyện cũng trở thành tình nguyện viên, được hòa mình vào thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống tại các vùng quê bình dị. Ảnh: TL

 
Ngọc Thủy Thứ Năm | 18/02/2021 08:00

Du lịch thiện nguyện: Vừa làm vừa vui

Các mô hình tour du lịch thiện nguyện đang thu hút nhiều đơn vị tham gia.

Vào một ngày giữa tháng 12 lạnh giá, một cô gái nhỏ đã viết lên trang Facebook như thế này: “Em là người rất yêu du lịch trải nghiệm nhưng chưa từng một lần được sống đúng với cảm giác đó, cho đến khi em tìm đến VEO. Em muốn viết lời này dành tặng cho các anh chị đi chuyến Vân Hồ cùng em. Đó là chuyến đi để lại trong em nhiều cảm xúc. Để kể ra chắc phải 2, 3 ngày...”.

Dòng chia sẻ của cô gái này dễ khơi gợi sự tò mò. Càng tò mò, càng tìm hiểu lại càng thích thú. Thì ra lâu nay, trong rất nhiều loại tour, vẫn có một hình thức du lịch hấp dẫn khác: du lịch thiện nguyện. Theo cách mà VEO mô tả, đây là chương trình tình nguyện kết hợp du lịch và trải nghiệm. Khi tổ chức loại tour này, Nguyễn Huyền Phương, CEO VEO, từng cho biết, Công ty tập trung vào du lịch sinh thái, ở những vùng xa xôi, có tiềm năng du lịch.

Nơi này, người dân vẫn chưa biết làm du lịch. VEO sẽ đào tạo họ cách giao tiếp tiếng Anh, làm homestay... Mục đích của VEO là giúp người dân địa phương có kế sinh nhai mới, gia tăng thu nhập, hỗ trợ cải thiện kỹ năng, bảo tồn giá trị văn hóa cho đồng bào thiểu số, giúp họ khai thác du lịch ngay trên mảnh đất, trong chính ngôi nhà, nếp văn hóa của mình.

Ảnh: TL
Du khách khi tham gia du lịch thiện nguyện cũng trở thành tình nguyện viên, được hòa mình vào thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống tại các vùng quê bình dị. Ảnh: TL

Về phía du khách, khi tham gia du lịch thiện nguyện cũng trở thành tình nguyện viên, được hòa mình vào thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống tại các vùng quê bình dị. Nơi khói bụi, tiếng ồn thành thị không thể nào tới được. Nơi mà những giá trị văn hóa, ẩm thực truyền thống địa phương vẫn còn lưu giữ. Đặc biệt, thông qua hoạt động thiện nguyện, du khách có thể hiểu thêm chính mình, tìm thấy niềm vui, ý nghĩa của đóng góp, thể hiện tấm lòng nhân ái, giúp đỡ, đồng cảm với nhau.

Trải qua gần 8 năm thành lập, cũng là ngần ấy thời gian VEO kiên trì theo đuổi mô hình du lịch thiện nguyện. Đến nay, các tour thiện nguyện của VEO đã thu hút hơn 23.000 tình nguyện viên. Công ty cũng tìm kiếm, thuyết phục và mở được 15 điểm dự án.

Trong đó, tập trung của VEO vẫn là những vùng nẻo cao phía Bắc, nơi có các bản làng, địa danh xa xôi, mang những cái tên vô cùng lãng mạn: Bản Lác (Mai Châu), La Pán Tẩn (Mù Cang Chải), Tả Van (Sapa), Chiềng Yên (Vân Hồ), Nà Lay (Bắc Sơn), Na Hang (Tuyên Quang)... Ở phía Nam, VEO cũng đã mở được 4 điểm, là vùng địa đầu tổ quốc Cà Mau, sông nước An Giang, cao nguyên Di Linh và Trà Vinh. Theo xác nhận của VEO, miền Nam vẫn là vùng đất mới, cần VEO khai phá. Trong năm 2021, VEO sẽ tích cực tìm kiếm, đẩy mạnh hoạt động tại đây.

 

Trước mắt, trung bình mỗi tuần, VEO tổ chức 3-4 tour du lịch thiện nguyện với 20-30 thành viên mỗi tour. Người tìm đến với VEO đa phần là sinh viên. Theo một điều tra của Marriot International và Ngân hàng Chase, nhóm tuổi từ 18-34 có tỉ lệ tham gia những chuyến du lịch tình nguyện cao nhất. Dù vậy, VEO vẫn thường xuyên đón khách là những người đã ngoài 40, 50 tuổi. Họ tìm thấy ở những tour thiện nguyện niềm vui của cho đi, của đặt chân lên những vùng đất lạ và dễ dàng thấy tiếng cười hồn nhiên tuổi trẻ.

Các công ty thường không đề cập đến mức lợi nhuận thu được từ tổ chức những tour thiện nguyện. Tuy nhiên, nhìn trên lịch trình và giá tour, có thể thấy, đó có thể là con số đủ tạo động lực cho người tham gia. Vấn đề là doanh nghiệp phải làm sao mở được những tour chất nhất, với các điểm đến đặc sắc, thú vị.

Hiện tại, để thiết lập một điểm đến, VEO và các công ty khác thường phải mất vài tháng khảo sát, chuẩn bị kỹ lưỡng, dựa trên nhiều tiêu chí. Đơn cử, để chọn bản Phụ Mẫu (Chiềng Yên), VEO đã kết hợp với Công ty WISE trong dự án “Hỗ trợ phụ nữ Sơn La khởi nghiệp kinh doanh”. Công ty cũng xét thấy nơi đây có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng lớn, với văn hóa nhà sàn, ẩm thực đặc trưng của người Thái trắng, nơi có khu du lịch Tạt Nàng, suối nước nóng, khí hậu ôn hòa... Đặc biệt, vùng này có trẻ em cần được hỗ trợ, giúp đỡ về học hành, kỹ năng.

Sau khi thống nhất địa điểm, thử thách kế tiếp là thuyết phục người dân bản địa tham gia, tuân theo các chuẩn mực đề ra. Đây là việc không dễ. Chưa kể, vì hạ tầng đường xá, trạm dừng chân, dịch vụ... ở miền Nam tốt nên du khách có thể tự tổ chức phượt, tự khám phá, tự trải nghiệm. Các hãng tour muốn giành lại thì phải tạo sản phẩm độc đáo hơn. Khó khăn khác cho các công ty lữ hành còn là tìm hướng dẫn viên. Đây phải là người vừa có kiến thức của người làm du lịch vừa đạt khả năng sinh hoạt cộng đồng, quản trò, hiểu biết về thiện nguyện... Cho tới thời điểm này, VEO thừa nhận Công ty vẫn chưa đạt được đội ngũ hướng dẫn viên lưu loát cả hai yêu cầu trên.

 

Dù có những khó khăn, thử thách, du lịch thiện nguyện vẫn có sức hấp dẫn, khi nhiều đơn vị đã vào cuộc như Color Tour, Haydi Tour, Humani Tour, The Great Pens, Tâm Đắc, Khát vọng Việt, Phúc Lành, Việt Á Châu, Tuấn Thi Travel... Tuy nhiên, nếu VEO hướng đến giới trẻ thì tour thiện nguyện của Tuấn Thi Travel hướng đến đối tượng du khách trung niên, cao tuổi, những người có thu nhập ổn định. Điểm mới ở Tuấn Thi Travel là tour thiện nguyện không chỉ tặng quà, tổ chức thăm viếng mà Công ty còn đặt mục tiêu hỗ trợ bà con nông dân làm nông nghiệp, bán sản phẩm, kết nối đầu tư, bao tiêu sản phẩm...

Tuấn Thi Travel chỉ mới mở rộng loại hình du lịch thiện nguyện Tây Giang từ tháng 3.2020, nhưng mô hình tour thiện nguyện được Công ty trông đợi sẽ tạo sự khác biệt, mang lại kết quả kinh doanh tốt. Thực tế, như đại diện một công ty du lịch ở TP.HCM khẳng định, tour thiện nguyện không phải là từ thiện. Các công ty vẫn dựa vào đây để đạt nguồn thu, tìm lợi nhuận.

Trong tương lai, mô hình tour du lịch thiện nguyện gắn với khám phá văn hóa, nghỉ dưỡng; du lịch thiện nguyện gắn với tâm linh, ăn chay, tu tập... sẽ tiếp tục phát triển mạnh.