Năm 2014, Tạp chí Elite Daily của Mỹ xếp Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia du lịch giá rẻ nhất thế giới, mức chi tiêu chưa đến 20 USD/ngày.
Du lịch nội địa tiến lên 5 sao
Theo ước tính của Hiệp hội Lữ hành, năm 2019 Việt Nam có khoảng 10 triệu lượt người du lịch nước ngoài. Với mức chi tiêu bình quân từ 5-10 triệu đồng/người cho mỗi chuyến đi của người Việt ở nước ngoài, tổng chi lên đến từ 50.000-100.000 tỉ đồng. Từ khi du khách chỉ còn đi trong nước, doanh nghiệp du lịch phục vụ nội địa cố gắng giành lại nguồn thu này bằng cách đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là đẩy mạnh dòng sản phẩm cao cấp.
Với 10 phòng chăm sóc sức khỏe, đi kèm là thiết bị thủy trị liệu, phòng chờ riêng với ghế thư giãn, studio làm đẹp, bể sục Jacuzzi, phòng tập gym cùng các thiết bị luyện tập giúp cải thiện hệ tim mạch và thể lực hiện đại nhất, Azerai Kê Gà Bay (Bình Thuận) ra mắt đầu năm 2021 là một điển hình của hàng loạt khu nghỉ dưỡng mới gần đây tại Việt Nam: sang trọng nhưng hòa hợp với thiên nhiên, có thế mạnh riêng rõ ràng và hoàn toàn nhắm đến đối tượng khách chi tiêu cao.
Mới đây, IHG Hotels & Resorts cũng vừa công bố kế hoạch phát triển thêm 50% dự án khách sạn resort tại Việt Nam trong 2 năm tới với 4 thương hiệu mới. Để đạt được mục tiêu này, IHG sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển khách sạn đạt giải thưởng và uy tín thuộc phân khúc sang trọng hiện có như Six Senses và InterContinental. IHG hiện có kế hoạch giới thiệu đến Việt Nam các thương hiệu Regent, voco Hotels và Hotel Indigo.
IHG cũng sắp thực hiện kế hoạch mở rộng chuỗi thương hiệu Holiday Inn nhắm đến nhóm khách gia đình. Theo đại diện IHG, tập đoàn này mong muốn mở rộng nhiều khách sạn phục vụ nguồn khách nội địa, hỗ trợ nhân lực nội địa phát triển kinh doanh, hướng tới thị trường trong nước. IHG cũng đang hướng đến phát triển tại các khu vực công nghiệp như Vinh, Hải Dương, Hải Phòng và Bình Dương, cũng như xây dựng các điểm resort phục vụ khách gia đình tại Quy Nhơn, Thanh Hóa - Sầm Sơn, Hòa Bình.
Trong tháng 3, show diễn thời trang Fashion Voyage #3 của nhà thiết kế Long Kan là sự kiện khởi đầu mà Sun Group thực hiện để biến Nam Phú Quốc thành vùng đất của lễ hội. Theo chia sẻ của chủ đầu tư hệ sinh thái nhiều tỉ USD này thì tiếp nối tên tuổi Long Kan, Nam đảo sẽ đón nhiều đạo diễn, nhà tổ chức lớn và tầm cỡ tới triển khai hàng loạt lễ hội, sự kiện với nhiều chủ đề khác nhau.
Năm 2014, Tạp chí Elite Daily của Mỹ xếp Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia du lịch giá rẻ nhất thế giới, mức chi tiêu chưa đến 20 USD/ngày. Chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tầm cỡ, sản phẩm du lịch của Việt Nam khi đó nghèo nàn, hệ thống lưu trú và giải trí phần lớn dành cho đối tượng khách có mức chi tiêu trung bình. Tuy nhiên, đến năm 2017, Việt Nam đã lọt vào 33 điểm đến đáng nhớ nhất năm. Chỉ số năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Trong 3 lần xếp hạng (2 năm/lần), du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 75/141 nền kinh tế vào năm 2015 lên vị trí 63/140 vào năm 2019. Với hàng loạt đầu tư quy mô vào du lịch vẫn đang diễn ra trên cả nước, khi dịch cúm kết thúc, khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia sẽ càng được cải thiện. Theo đó, khối phân khúc du lịch nội địa cao cấp cũng được mở rộng đáng kể.
Ra mắt thương hiệu Vietluxtour vào đầu quý III/2020, thời điểm ngành du lịch đang khủng hoảng do COVID-19, Lữ hành Fiditour có sự tin tưởng lớn vào tiềm năng và hướng phát triển khả quan cho thương hiệu và dòng sản phẩm du lịch cao cấp. Dòng sản phẩm Vietluxtour được định hướng chất lượng chuẩn dịch vụ từ 4-5 sao trở lên, tour độc đáo, mới lạ, bắt xu hướng và được thiết kế riêng cho nhu cầu của khách và nhóm khách đặc thù, không trùng lặp.
Trong 3 lần xếp hạng (2 năm/lần), du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 75/141 nền kinh tế vào năm 2015 lên vị trí 63/140 vào năm 2019. Ảnh: TL |
Theo bà Trần Thị Bảo Thu, đại diện Lữ hành Fiditour, thị trường du lịch cao cấp còn rất nhiều tiềm năng, tuy không dễ dàng khai phá và phát triển. Phân khúc này không chỉ đòi hỏi kinh nghiệm, năng lực của đơn vị lữ hành mà còn thử thách khả năng nắm bắt, am hiểu và thích ứng nhanh với xu thế tiêu dùng 4.0 của du khách, đặc biệt là du khách thế hệ gen X, Y, Z - những khách hàng trực tiếp tiêu dùng sản phẩm với hành vi và nhu cầu công nghệ hóa, ngày càng độc đáo và cao cấp hơn. Từ thời điểm ra mắt đến hiện tại, Vietluxtour đã bước đầu khai thác khá tốt thị trường nội địa, chiếm tỉ lệ khá tốt, khoảng 18-25% tổng lượng khách năm 2020 của cả Lữ hành Fiditour - Vietluxtour. Trong năm 2021, Vietluxtour sẽ tiếp tục mở rộng phân khúc khách lẻ cao cấp ra các thị trường miền Nam, Trung, Bắc và khách du lịch hội nghị hướng đến các thành phố, trung tâm MICE đẳng cấp ngoài TP.HCM.
Ở nhiều doanh nghiệp lữ hành khác như Saigontourist, Vietravel, TST... dòng tour nội địa cao cấp cũng mang lại biên lợi nhuận hấp dẫn hơn so với tour phổ thông. Để giữ vững và mở rộng phân khúc này, các doanh nghiệp đều tập trung vào năng lực cạnh tranh bền vững là giá trị độc đáo và khác biệt của sản phẩm. Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Lữ hành Saigontourist, cho biết: “Phục vụ các dịch vụ cao cấp vừa khó lại vừa dễ. Khó là do khách hàng ở phân khúc này đòi hỏi dịch vụ rất cao và nhân viên phải linh hoạt trong toàn bộ quá trình phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, khi khách đã hài lòng thì khả năng cao sẽ quay trở lại sử dụng tiếp dịch vụ”.