Vốn là ngành đang phát triển mạnh, ngành du lịch, khách sạn tại Việt Nam liên tục hứng chịu nhiều tổn thất nặng nề do đại dịch COVID-19. Ảnh: TL.

 
Minh Anh Thứ Ba | 28/09/2021 16:05

Du lịch nội địa: Không thể ‘ngủ đông’ chờ ‘băng tan’

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch tìm hướng khôi phục hoạt động.

Cứu cánh của khách sạn

Chị Tina, Việt kiều Pháp về Việt Nam đã phải cách ly 14 ngày tại khách sạn tại quận 1, TP.HCM với mức chi phí hơn 5 triệu/phòng. Mặc dù biết mức giá này khá cao so với 1 số khách sạn khác nhưng chị không còn sự lựa chọn vì đã hết phòng.  

Vốn là ngành đang phát triển mạnh, ngành du lịch, khách sạn tại Việt Nam liên tục hứng chịu nhiều tổn thất nặng nề do đại dịch COVID-19. Liên tục những đợt dịch đã khiến các doanh nghiệp ngành du lịch, khách sạn dần teo lại.

Tại thị trường TP.HCM hình ảnh những khách sạn 3 sao, hoặc những khách sạn dọc các con phố Lê Lai, Lý Tự Trọng, Thủ Khoa Huân…vốn sầm uất nay vắng lặng hoang tàn. Tại Hà Nội, nhiều khách sạn rao bán với giá rẻ nhưng vẫn hiếm khách mua. Theo nghiên cứu trước dịch diễn ra, tỉ lệ phòng lấp đầy trung bình ở các khách sạn 3 đến 5 sao tại Hà Nội thường xuyên đạt mức 74%, cao nhất trong 10 năm vừa qua với giá phòng trung bình đạt 113USD/phòng/đêm. 

Mặc dù vậy, đến năm 2020, do ảnh hưởng của COVID-19, tỉ lệ lấp đầy của thị trường này chỉ còn trung bình 30%, giảm khoảng 44% so với cùng kỳ năm trước, giá phòng cũng vì thế giảm xuống mức còn khoảng 81 USD/phòng/đêm. Trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm, với tỉ lệ lấp đầy chỉ còn 25%, giá phòng trung bình khoảng 72 USD/phòng/đêm.

Ảnh: TL.
Thị trường TP.HCM đã chứng kiến điểm sáng ở một số khách sạn. Ảnh: TL.

Tại TP.HCM, với những tác động của đợt dịch thứ 4, những quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội, tỉ lệ lấp đầy trong quý II/2021 chỉ đạt 18% với giá phòng trung bình là 69 USD/phòng/đêm. Tuy niên, từ quý II/2020 đến nay, giá phòng trung bình đã tăng khoảng 3 USD mỗi quý. 

Nguyên nhân là do lực đẩy đến từ các cơ sở và dịch vụ cách ly tập trung có giá thuê cao hơn từ 50-60% so với giá trung bình của thị trường. Hiện nay có khoảng 10% số lượng các khách sạn trên thị trường được chuyển đổi thành các cơ sở cách ly, và con số này có thể tăng lên trong thời gian sắp tới, để đáp ứng nhu cầu cấp bách về việc cách ly và hỗ trợ chống dịch.

Cũng về Việt Nam vào đầu tháng 9 vừa qua, nhưng vợ chồng chị Helen, việt kiều Mỹ lại đặt phòng trước theo ý thích. Chị Helen đã chọn 1 khách sạn có view đẹp tại Đà Nẵng trọn gói. Theo chị Helen, nhu cầu việt kiều về Việt Nam vẫn rất cao nên họ chấp nhận giá cao và coi như kết hợp đi nghỉ dưỡng.

Tại Hà Nội, hiện đang có khoảng 20 khách sạn chuyển đổi theo mô hình này, tương đương khoảng 1.600 phòng. Đà Nẵng khoảng 34 khách sạn với khoảng 3.000 phòng. TP.HCM 25 khách sạn với hơn 3.000 phòng, trong đó số lượng khách sạn lớn ở quận 1, chiếm 42%, tương đương 13 khách sạn; quận Tân Bình là 32%, số còn lại ở các quận 7, quận 3 và quận 5. 

Cũng chính nhờ xu hướng này, thị trường TP.HCM đã chứng kiến điểm sáng ở một số khách sạn tại khu vực quận Tân Bình, khu vực gần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, với tỉ lệ lấp đầy lên đến 78%. Tất cả khách sạn 5 sao trong khu vực này đều đã được sử dụng thành các cơ sở cách ly y tế. 

Du lịch mở cửa đón khách?

Ngày 19.9 vừa qua, huyện Cần Giờ, TP.HCM chính thức thí điểm mở cửa đón khách du lịch. Đặc biệt ở chỗ, hơn 100 vị khách trong hành trình phá băng du lịch TP.HCM chính là đội ngũ y tế tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19. Saigontourist đưa họ đi tham quan Cần Giờ trong mô hình thí điểm.

Ngày 23/9, Sở Du lịch TP.HCM cho biết sau những tín hiệu, phản hồi tích cực từ việc tổ chức thí điểm 2 tour Cần Giờ và Củ Chi mới đây, sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tổ chức các chương trình tour đi về trong ngày tại Cần Giờ và Củ Chi dành cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Ảnh: TL.
Ngày 19.9 vừa qua, huyện Cần Giờ, TP.HCM chính thức thí điểm mở cửa đón khách du lịch. Ảnh: TL.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, cho hay chính ông là người đã đề xuất thí điểm đón khách đến Cần Giờ khi họp cùng với lãnh đạo UBND thành phố. Theo ông Kỳ, tính đến ngày 22/9, thành phố đã có hơn 8,9 triệu người đã tiêm mũi 1 vaccin COVID-19 và hơn 2,2 triệu người tiêm đủ 2 mũi. Khoảng 6 tháng sau tiêm chủng người dân rất an toàn. Và khi họ có thể đi du lịch trở lại sẽ mới giúp mở cửa lại hệ thống dịch vụ rồi kinh tế mới hồi phục được. Nếu bắt đầu với du lịch, thành phố có ngay Cần Giờ để phát triển vì rất an toàn, hiện đã là "vùng xanh" trên địa bàn.

Theo Công ty Cổ phần Lữ hành Fiditour, tuyến du lịch Cần Giờ nằm trong chùm tour tham quan - văn hóa - lịch sử Biệt động Sài Gòn, đã được doanh nghiệp khai thác trong kế hoạch phát triển các tuyến du lịch trọng điểm của TP.HCM thời gian qua. 

Ảnh: Tổng cục thống kê

Một số doanh nghiệp khác cũng đang lên kế hoạch mở tour trở lại từ TP.HCM tới những điểm đến an toàn, trong bối cảnh nhiều địa phương trên cả nước đang sẵn sàng mở cửa trở lại và có kế hoạch đón khách nội tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc…

Tại diễn đàn về du lịch vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh "Với những địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh, phải phối hợp kết nối với hiệp hội du lịch và doanh nghiệp tổ chức các diễn đàn, hội nghị xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch, qua đó góp phần làm du lịch "sống" lại. Du lịch phải đứng vững trên đôi chân của mình ở thị trường nội địa và thị trường quốc tế khi có điều kiện", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng giao nhiệm vụ.

Doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm áp dụng “3 tại chỗ”