tapchitaichinh.vn

 
Hoàng Hà Thứ Hai | 06/11/2017 12:30

Du lịch lên ngôi, dầu thô thất thế

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, nếu cố gắng tăng 1 triệu tấn dầu thô thì thà tăng 1 triệu khách du lịch còn hơn.

Lần đầu tiên kinh tế Việt Nam tăng trưởng không phụ thuộc vào ngành khai khoáng.

Khó dựa vào dầu thô

Trong nhiều năm, dầu thô là một nhân tố quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế và điều này đã không còn duy trì tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Ảnh hưởng của dầu thô lên tăng trưởng xuất khẩu là rất nhỏ trong hơn 2 năm vừa qua. Trong vòng 5 năm qua, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nhờ xuất khẩu hàng điện tử và điện thoại di động tăng rất nhanh. Điều này thật sự rất khác biệt so với thập niên trước (2000-2010).

Thực tế, trong 2 năm qua, Việt Nam bắt đầu đối mặt với thực tiễn là công nghiệp khai khoáng liên tục giảm và giảm rất sâu, đầu tiên là dầu thô, tiếp đó là than đá. Riêng dầu thô năm 2017 khai thác chỉ đạt 13,28 triệu tấn, so với năm 2016 giảm 3 triệu tấn. Vì vậy, hiện nay muốn khai thác thêm để tăng trưởng cũng không còn dễ dàng vì phải đi vào vùng biển xa, trữ lượng dầu thô giảm. “Trước đây ta cứ nói muốn tăng trưởng thì khai thác thêm 1-2 triệu tấn dầu một cách dễ dàng; bây giờ không đơn giản. Trong 9 tháng, khai khoáng đã giảm 8% so với năm trước”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận như vậy khi phát biểu trước Quốc hội.

Đóng góp chủ yếu nhất của ngành dầu mỏ cho nền kinh tế trong vài năm gần đây là thông qua việc chuyển khoản cổ tức của PetroVietnam và các khoản thanh toán thuế cho Chính phủ mà HSBC ước lượng khoảng 10-20% tổng thu ngân sách. Lúc này, chúng ta đã nhận ra những yếu điểm của cách thức tăng trưởng theo chiều rộng, tập trung vào đầu tư, khai thác tài nguyên. Tuy nhiên, do tư duy quản lý, trình độ sản xuất, năng suất lao động... vẫn chưa cải thiện, cùng với những thất thoát, lãng phí trong đầu tư công, hiệu quả đạt được chưa tương xứng với nguồn vốn đầu tư, chất lượng tăng trưởng thấp. Vì vậy, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài tăng vốn và khai thác thêm tài nguyên.

Ít nhất cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang chuyển hướng không phụ thuộc vào dầu thô. Việt Nam đang tìm kiếm những kênh tăng trưởng mới trong bối cảnh sản xuất dầu mỏ giảm sút. Đây chính là một chính sách bền vững cho Chính phủ Việt Nam khi sản lượng năng lượng hóa thạch của đất nước đang ngày càng co hẹp và ngành công nghiệp dịch vụ đang ngày càng phát triển.

Du lịch thay thế

Cũng chính Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, nếu cố gắng tăng 1 triệu tấn dầu thô thì thà tăng 1 triệu khách du lịch còn hơn “bởi nó vừa xanh, vừa sạch, vừa đẹp, vừa an toàn”.

Tỉ trọng công nghiệp khai khoáng vẫn chiếm khoảng 10% GDP là quá lớn, trong bối cảnh khai thác ngày càng khó khăn và phụ thuộc nhiều vào biến động giá và cung cầu trên thị trường thế giới, vốn bất định. Theo phân tích của SSI Research, tăng trưởng thấp đang tạo áp lực phải tiếp tục cải cách, tái cơ cấu và tìm động lực phát triển mới như nông nghiệp công nghệ cao, hay du lịch. Đây là những chủ trương rất đúng và cần tiếp tục thực hiện để tạo nền tảng cho tăng trưởng cao trong dài hạn.

Du lich len ngoi, dau tho that the

Tin mừng là theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, doanh thu ngành du lịch đạt được gần 16,5 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 26,5% so với năm 2016. Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới đầu năm 2017 và đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch. Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu du lịch lữ hành 10 tháng năm nay ước tính đạt 30,1 ngàn tỉ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước do lượng khách quốc tế và du lịch trong nước tiếp tục tăng. Tăng trưởng ngành dịch vụ đã hỗ trợ tài khoản vãng lai của Việt Nam, vốn đã có thâm hụt tăng lên trong thương mại dịch vụ nhiều năm. Điều này rất quan trọng khi áp lực tài khoản vãng lai ngày càng giảm do nhập khẩu hàng hóa ngày càng nhiều cho các mặt hàng dầu thô, thiết bị điện tử và máy móc.

Đánh giá của HSBC cho thấy, ngành du lịch Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy nhờ vào hoạt động đầu tư. Hàn Quốc là quốc gia có lượng vốn đầu tư FDI lớn nhất đổ vào Việt Nam, chủ yếu là ở ngành sản xuất, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc lại quan tâm đến lĩnh vực bất động sản sau khi Việt Nam đã nới lỏng quyền sở hữu nhà cho người nước ngoài hồi năm 2015.

Đối với du lịch, trong năm 2017, Chính phủ đã ban hành chương trình miễn thị thực để thu hút nhiều khách du lịch tới Việt Nam hơn và điều này dường như đã có hiệu quả. Kỳ vọng số lượng du khách sẽ vượt qua 10 triệu người trong thời gian tới vì Việt Nam đã làm được điều này trong năm 2016. Mặt khác, theo Grant Thornton, phân khúc khách sạn cao cấp đạt mức lợi nhuận trước chi phí lãi vay, thuế, và khấu hao (EBITDA) năm 2016 cao hơn năm 2015 với mức 1,7%, tỉ lệ EBITDA/doanh thu thuần bình quân ngành là 32,5%. Con số này phản ánh phân khúc khách sạn 4-5 sao và resort sang trọng có xu hướng tăng, góp phần gia tăng giá trị cho ngành du lịch Việt Nam.

HSBC cho rằng Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong vài năm tới nếu như chương trình miễn thị thực còn tiếp tục, hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện và môi trường kinh tế và chính trị tại các nước khác thuận lợi

Hoàng Hà