Không chỉ các hãng hàng không báo lỗ, ngành khách sạn Việt Nam cũng đang tiếp tục vật lộn với khó khăn. Ảnh: Quý Hoà.

 
Cẩm Tú Thứ Hai | 20/03/2023 14:00

Du lịch ì ạch phục hồi

Du lịch Việt Nam có nguy cơ bị tụt lại phía sau trong cuộc đua phục hồi tăng trưởng đang diễn ra mạnh mẽ tại khu vực.

Đông Nam Á đang trong cuộc đua phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế. Singapore, Thái Lan, Malaysia đều có những khoản ngân sách hàng trăm triệu USD cho các chiến lược quảng bá rầm rộ được bắt đầu từ 6-8 tháng trước. Riêng Việt Nam, mọi rào cản đối với khách nước ngoài gần như còn nguyên.

Ít tiền khó làm nên chuyện

Mới đây, Thái Lan đã công bố khoản ngân sách trị giá 113 triệu USD năm 2023 để quảng bá du lịch, trong nỗ lực nhằm đạt mục tiêu thu hút  từ 18-20 triệu lượt du khách đến nước này năm nay. Trong cuộc đua thu hút khách quốc tế trở lại, Singapore cũng chi một khoản tương đương Thái Lan. Malaysia đứng thứ 3 với gần 60 triệu USD chi cho các chiến lược truyền thông marketing trong và ngoài nước. Còn Việt Nam, ngân sách quảng bá du lịch năm 2023 vẫn bằng mức 15 năm trước là khoảng 2 triệu USD.

 

Không chỉ tung tiền cho hoạt động tiếp thị, Thái Lan, Malaysia, Singapore còn có các chương trình liên kết và hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp du lịch nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của toàn ngành. Tổng cục Du lịch Singapore (STB) có chương trình SingapoReimagine nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch về mặt truyền thông marketing.

Theo đó, các doanh nghiệp sau khi trình các kế hoạch tiếp thị nếu được STB duyệt thì sẽ nhận được khoản hỗ trợ tương đương 70% tổng số tiền, với mức tối đa là gần 400.000 USD. Đảo quốc này cũng có quỹ phát triển du lịch 50 triệu USD hoạt động song song với nền tảng Tcube nhằm hỗ trợ chuyển đổi số cho khoảng 1.000 doanh nghiệp trong ngành.

Tại Thái Lan, Thủ tướng đích thân chỉ đạo các bộ, ngành tích cực thúc đẩy chiến lược “quyền lực mềm” thông qua ẩm thực, điện ảnh, thời trang, lễ hội và võ thuật (gọi là 5Fs) nhằm gây dựng hình ảnh, kích cầu du lịch với kế hoạch cụ thể cho từng lĩnh vực.

Trong khi đó, tại Việt Nam, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc Thương mại Vietnam Airlines, cập nhật: 2 tháng đầu năm nay, sau khi Việt Nam mở cửa, hàng không đạt 65% so với năm 2019. Trong đó, thị trường du lịch trọng điểm như Hàn Quốc được 75%, Nhật đạt 80%, còn Trung Quốc gần như bằng 0. Trong khi các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan gần như phục hồi 100% so với năm 2019. Còn châu Âu thì tùy từng nước, những nước có đường bay thẳng như Đức, Pháp, Anh... phục hồi 70%; nhưng những nước không có đường bay thẳng như Đông Âu, Tây Ban Nha, Ý... phục hồi khoảng 30%.

Không chỉ các hãng hàng không báo lỗ, ngành khách sạn Việt Nam cũng đang tiếp tục vật lộn với khó khăn. “Lượng khách đến Sun World Ba Na Hills dịp Tết Nguyên đán 2023 chỉ đạt khoảng 55% so với Tết Nguyên đán 2019. Hay ở Phú Quốc trong mùa quý IV/2022 năm nay và quý I - mùa inbound (mùa khách nước ngoài vào) giảm cũng gần 50%.

Tại Hạ Long, có những tuần đóng cửa vì du khách không đủ đông. Tình trạng sụt giảm lượng khách có nguyên nhân lớn từ việc thiếu vắng khách quốc tế”, bà Trần Nguyện, Phó Tổng Giám đốc Khối Sun World, Tập đoàn Sun Group, chia sẻ. Theo bà Trần Nguyện, các khu nghỉ dưỡng cao cấp như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay... trước dịch là nơi nghỉ dưỡng yêu thích của rất nhiều tỉ phú, ngôi sao, giới thượng lưu quốc tế. Tuy nhiên, sau mở cửa, lượng khách sụt giảm rõ rệt. Nếu như năm 2019, tỉ lệ lấp đầy phòng của 2 resort này đạt trên 80% thì nay chỉ còn 30-40%. 

Visa và hơn thế nữa

 

Sau 30 năm mở cửa đón khách quốc tế, những năm 2018, 2019 ngành du lịch Việt Nam bắt đầu thu hoạch trái ngọt với lượng khách nước ngoài trên 10 triệu lượt/năm, trong đó phân khúc khách chi tiêu cao hình thành rõ nét với sự hoàn thiện của hàng trăm khu nghỉ dưỡng cao cấp. Tuy nhiên, đại dịch đã kéo lùi ngành công nghiệp không khói lại hàng chục năm. Và hiện nay trên đường đua phục hồi, Việt Nam đang có nguy cơ tụt lại xa hơn so với các nước trong khu vực.

Tại các công ty du lịch, khách Việt Nam đi Thái Lan, Singapore đã gần bằng mức trước đại dịch. Giá tour đi Thái Lan vẫn ở mức như cách đây 4 năm, Singapore cũng tăng không đáng kể trong khi chương trình tour được cập nhật nhiều dịch vụ giải trí mới.

Nhờ cách làm du lịch, cách liên kết chặt chẽ từ cơ quan xây dựng chính sách tới các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn... mà các nước này đưa ra được những sản phẩm du lịch có mức giá rất cạnh tranh so với chất lượng.

Đó là chưa kể trong khi Việt Nam chậm chạp, thì các điểm đến khác đã có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn để hút khách. Chẳng hạn, Đài Loan tặng 165 USD cho 500.000 du khách cá nhân. Hồng Kông tặng 500.000 vé máy bay cho khách quốc tế. Hàn Quốc với chuỗi sự kiện “Văn hóa Hàn Quốc không điểm dừng” và hòa nhạc Hallyu ở 50 thành phố lớn trên thế giới. Philippines lên kế hoạch hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch nước ngoài... Tổng cục Du lịch Singapore sẽ chi trước 110 triệu SGD từ khoản tài trợ trị giá 500 triệu SGD dành riêng cho việc phục hồi du lịch của Singapore nhằm đẩy mạnh các sự kiện kinh doanh và giải trí trong 2 năm này.

Đại diện một công ty du lịch Việt Nam cho biết: “Các chính sách hỗ trợ ngành du lịch, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ từ tài khóa đến tiền tệ đến nay vẫn gần như không có. Doanh nghiệp không còn nguồn lực để tiếp cận thu hút khách quốc tế, lại càng phải tích cực đưa khách đi nước ngoài để có dòng tiền cầm cự. Như vậy, việc chảy máu ngoại tệ lại càng tăng”.

“Để hút khách quốc tế đến Việt Nam, để chúng ta đủ sức cạnh tranh với các quốc gia khác thì chỉ một đơn vị hàng không, một đơn vị lữ hành, du lịch, khách sạn không thể làm được”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, nhận định. Ông cũng đề xuất mô hình liên kết giữa các cửa hàng miễn thuế với các doanh nghiệp phục vụ ngành du lịch như lữ hành, hàng không. Theo đó, các hãng hàng không sẽ hợp tác với lữ hành để giảm giá vé, đưa khách tới các trung tâm mua sắm miễn thuế. Với mỗi đoàn khách, đơn vị kinh doanh cửa hàng miễn thuế sẽ bù trừ lại 10% cho doanh nghiệp lữ hành.

 

“Mô hình này đã được chúng tôi thực hiện tại Hàn Quốc, Nhật. Riêng tại trung tâm mua sắm Lotte ở Seoul - Hàn Quốc, doanh thu đến từ mua sắm đạt 10 tỉ USD, nếu chia 10% cho các công ty lữ hành thì họ sẽ được nguồn hỗ trợ tài chính tới 1 tỉ USD”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Ở góc độ khác, theo bà Trần Nguyện, visa là cánh cửa đầu tiên, là lợi thế cạnh tranh đối với các điểm đến khác. Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Thị thực điện tử cấp cho 80 quốc gia nhưng bị giới hạn số cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh. Thời gian lưu trú thông thường khoảng 15 ngày và nhập cảnh 1 lần. Trong khi đó, Malaysia miễn thị thực cho 162 quốc gia, Singapore miễn cho 162 quốc gia, Philippines 157 quốc gia, Nhật 68 quốc gia, Hàn Quốc 66 quốc gia, Thái Lan 64 quốc gia... Các quốc gia trên hầu hết cấp và cho phép nhập cảnh bằng thị thực điện tử với thời gian lưu trú lên 6 tháng và nhiều lần nhập cảnh ra vào.

Chính sách visa của Việt Nam đang bất lợi, về cả số quốc gia miễn visa, cấp visa điện tử, thời gian miễn visa cũng như hình thức visa. Tổ chức Du lịch Thế giới và Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới đã công bố báo cáo cho thấy sự thuận lợi của việc cấp thị thực nhập cảnh có khả năng làm tăng lượng khách quốc tế từ 5-25% mỗi năm. “Với kinh nghiệm trong ngành hàng không, những nước miễn visa, có đường hàng không bay thẳng thì trong vòng 3 năm, lượng hành khách tăng lên gấp đôi, chứ không phải tăng lên mức độ trung bình tăng 5-10%”, ông Thành nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Thành, chương trình quảng bá du lịch quốc gia cần thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch liên tục trong thời gian tới. Hoạt động quảng bá du lịch tiến hành từ 6-8 tháng trước khi du lịch quốc tế mở cửa trở lại, nhưng đến giờ phút này Việt Nam gần như chưa triển khai được kế hoạch nào. Sau 3 năm đại dịch, hầu hết các doanh nghiệp du lịch đã cạn kiệt ngân sách dành cho tiếp thị. Một số ít còn lại, trong đó có Vietnam Airlines thì phải “đơn thương độc mã” trong các sự kiện quảng bá du lịch ở nước ngoài, vậy nên hiệu quả không thể nào bằng doanh nghiệp của Thái Lan, Singapore hay Malaysia.

Trước đại dịch, Việt Nam đón khách du lịch quốc tế bằng 1/2 của Thái Lan. Thế nhưng, năm 2022, khách quốc tế vào Việt Nam lại tụt xuống chỉ còn bằng 1/3 so với nước này. Năm 2023, Việt Nam cũng chỉ đặt mục tiêu thu hút khoảng 8 triệu khách quốc tế, bằng với mục tiêu của Campuchia và chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, bằng một nửa của Singapore và Malaysia. 

 

“Nếu chúng ta cứ không làm gì thì toàn ngành sẽ rơi vào trì trệ trong 2 năm tiếp theo. Còn nếu chúng ta tích cực tìm phương án, tôi nghĩ rằng đến cuối năm nay sẽ thoát khỏi những khó khăn”, ông Thành nhận định.

Có thể bạn quan tâm: 

UPS: Giá trị thương mại của Việt Nam trong Asia-12 có thể đạt 465 tỉ USD năm 2030