Dự kiến tạm xuất tái nhập vàng phi SJC từ tháng 12
Cụ thể, theo báo này, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp giấy phép cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng phi SJC tạm xuất vàng miếng phi SJC (bao gồm 8 nhãn mác khác nhau) và tái nhập vàng nguyên liệu đủ chuẩn bốn số chín. Số lượng vàng tạm xuất tái nhập có thể nằm trong khoảng 10-15 tấn và thời gian thực hiện dự kiến đầu tháng 12/2012.
Trước đó, vấn đề trên đã được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước với đại diện các ngân hàng và các công ty vàng bạc đá quý ngày 26/11/2012 tại Hà Nội. Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty vàng lớn ở phía Bắc cho biết, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh sẽ làm việc với Bộ Tài chính để miễn thuế tạm xuất vàng phi SJC cho các doanh nghiệp.
Hiện nay theo quy định, xuất khẩu vàng từ 8 tuổi trở xuống (tức sản phẩm có hàm lượng vàng từ 80% trở xuống) được miễn thuế, nhưng từ 8 tuổi trở lên phải nộp thuế 10%. Hầu hết vàng miếng phi SJC đều có chất lượng thuộc dạng từ 8 tuổi trở lên, tức dạng phải nộp thuế.
Để tránh thiệt hại cho người dân đang sở hữu vàng miếng phi SJC, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo các doanh nghiệp mua vàng các nhãn mác khác với giá gần ngang bằng vàng SCJ, chỉ thấp hơn khoảng 50.000-100.000 đồng/lượng (tức ngang bằng với phí dập lại thành vàng miếng SJC). Tuy nhiên sự khuyến cáo này đã không nhận được sự đồng thuận rộng rãi của cả ngân hàng và doanh nghiệp vì 2 lý do.
Thứ nhất, giá vàng SJC đang cao hơn giá quốc tế 3,3 triệu đồng/lượng. Nếu doanh nghiệp mua vàng phi SJC gần với giá vàng SJC, thì khi xuất khẩu sẽ lỗ. Mức lỗ do chênh lệch giá này chắc chắn Ngân hàng Nhà nước không bù đắp, nên sẽ không có đơn vị nào mua. Họ sẽ chỉ xin xuất lượng vàng đang có sẵn trong kho, vốn đã được mua từ trước, lúc giá khoảng 41-42 triệu đồng/lượng.
Thứ hai, trong một thời gian gấp gáp như vậy có thể không mua được nhiều. Thông thường, người sở hữu có nhu cầu chuyển đổi sang vàng SJC, chứ không muốn bán hẳn. Nếu họ bán hẳn và mua vàng SJC trở lại, sẽ đẩy cầu SJC lên cao, gây ảnh hưởng đến thị trường.
Nguồn TBKTSG