Thứ Năm | 13/12/2012 22:37

Dự kiến siết chặt việc sử dụng ngoại hối

Sửa đổi pháp lệnh ngoại hối nhằm chống "đô la hóa" nhưng vẫn đảm bảo quyền sở hữu ngoại tệ của nhân dân.
Dự thảo sửa đổi Pháp lệnh Quản lý ngoại hối bổ sung các hoạt động báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác không được thực hiện bằng ngoại hối nhằm chống tình trạng “đô la hóa” nền kinh tế.

Điều 22 của dự thảo Pháp lệnh quy định: “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.

Tại phiên thảo luận về dự án Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quản lý ngoại hối diễn ra ngày 13/12, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra là Thường trực Ủy ban Kinh tế đều đồng tình với quy định này.

Trước băn khoăn nếu quy định như vậy sẽ khiến doanh nghiệp, cá nhân dễ gặp rủi ro biến động tỷ giá, cơ quan thẩm tra cho rằng khi ký kết hợp đồng, các doanh nghiệp có thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp để chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Trên thực tế, quy định trên đã được áp dụng thông qua các văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước. Để tiếp tục đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, cơ quan soạn thảo đã đưa quy định này vào dự thảo Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quản lý ngoại hối.

Đảm bảo quyền sở hữu ngoại hối của người dân

Vẫn liên quan đến chống “đô la hóa” ở góc độ quyền sở hữu ngoại tệ của người dân, Thường trực Ủy ban Kinh tế và một số ý kiến Thường vụ Quốc hội cho rằng Pháp lệnh hiện hành quy định phạm vi sử dụng ngoại tệ của cá nhân là tương đối rộng, không phù hợp với mục tiêu của chính sách quản lý ngoại hối, dẫn đến tình trạng sử dụng ngoại tệ phổ biến trong nước, làm gia tăng tình trạng “đô la hóa”, gây ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Khoản 2, Điều 8 Pháp lệnh hiện hành quy định: “Ngoại tệ của người cư trú là cá nhân ở Việt Nam thu được từ các khoản chuyển tiền một chiều được sử dụng cho mục đích cất giữ, mang theo người, gửi vào tài khoản ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng được phép hoặc bán cho tổ chức tín dụng được phép; trường hợp là công dân Việt Nam thì được gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép”.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng cần sửa đổi các quy định trên theo hướng hạn chế bớt các quyền sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán, công cụ đầu tư của cá nhân.

Giải thích về việc dự thảo Pháp lệnh vẫn giữ nguyên quyền sở hữu ngoại tệ của người dân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng quy định như vậy vẫn quản lý được ngoại tệ, bởi việc quản lý sẽ được thực hiện bằng nhiều công cụ khác chứ không phải chỉ bằng Pháp lệnh này.

“Bên cạnh việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô và giá trị đồng Việt Nam, thời gian qua ta đã làm tốt chống “đô la hóa” với các giải pháp hỗ trợ là trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ khoảng 2%, đối với doanh nghiệp là 0,5%...”, Thống đốc nói.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, pháp luật tôn trọng quyền sở hữu ngoại tệ của người dân, không cấm người dân cất giữ ngoại hối, nhưng việc lưu thông ngoại tệ phải thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng.

Đảm bảo tính ổn địnhPháp lệnh Ngoại hối (có hiệu lực từ năm 2006) được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước (ban hành năm 2011). Đồng thời, thời gian qua, thực tiễn quản lý ngoại hối có nhiều diễn biến mới mà Pháp lệnh không điều chỉnh được.Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết những nội dung sửa đổi, bổ sung (về giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, cơ chế tỷ giá hối đoái, quản lý dự trữ ngoại hối, hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối) của dự thảo Pháp lệnh mới đều đã được áp dụng trong thực tiễn thông qua các văn bản của Ngân hàng Nhà nước hoặc Chính phủ. Trước khi tập hợp các quy định này để sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan hữu quan rà soát lại tính khả thi của các quy định này nhằm đảm bảo tính ổn định trong đời sống kinh tế, xã hội.Việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp tục rà soát chặt chẽ hơn nữa những nội dung sửa đổi, bổ sung, đảm bảo những quy định nào đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn thì thống nhất đưa vào dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung.

Nguồn Chinhphu.vn


Sự kiện