Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái đảo chiều chính sách nhanh và rõ hơn trong tháng 3/2023. Ảnh minh họa: TL.
Dự kiến có khoảng 110.000 tỉ đồng sẽ được bơm ra thị trường
Đảo chiều chính sách
Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái đảo chiều chính sách nhanh và rõ hơn trong tháng 3/2023. Đầu tiên có thể kể đến 2 lần điều chỉnh lãi suất điều hành vào giữa tháng và cuối tháng. Nếu như giai đoạn tăng lãi suất năm 2022 việc thay đổi lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước thường đi sau thị trường thì đợt giảm lãi suất mới đây được kỳ vọng sẽ tác động nhiều đến mặt bằng lãi suất chung. Sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước, đầu tháng 4/2023, các ngân hàng thương mại từ Nhà nước đến tư nhân đều đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,3-0,8 điểm phần trăm. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã giảm tương đối mạnh khoảng từ 0,8-1,2 điểm phần trăm, nhịp giảm này tương đương khoảng 1/2 mức tăng trong giai đoạn tháng 10-12/2022.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay mới và cũ vào cuối tháng 2/2023 ở mức 9,5-11,3%/năm, tăng khoảng 0,5-0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2022 và cao hơn 1,1-1,4 điểm phần trăm so với trước tháng 10/2022.
Trong báo cáo vĩ mô tháng 4, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết họ kỳ vọng lãi suất cho vay trong nền kinh tế sẽ giảm trong thời gian tới dựa vào một số cơ sở: 1) lãi suất huy động hạ nhiệt làm tiền đề giảm lãi suất cho vay; 2) thanh khoản hệ thống dồi dào, nhu cầu tín dụng yếu nên quy luật cung cầu thì lãi suất cho vay sẽ giảm; 3) gói tín dụng 120.000 tỉ đồng được triển khai từ 1/4/2023 với mức lãi suất cho vay ưu đãi từ 8,2-8,7%/năm đối với chủ đầu tư và người mua các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và xây dựng lại chung cư cũ. Mức giảm kỳ vọng đối với mặt bằng lãi suất cho vay là khoảng 0,5-1 điểm phần trăm, tùy lĩnh vực.
Đối với các lĩnh vực ưu tiên lãi suất trần 4,5%/năm không khác biệt nhiều nhưng đối với lĩnh vực bất động sản thì đang mở ra một kênh dẫn vốn với chi phí rẻ hơn. Mức độ hấp thụ tuỳ thuộc vào 1) sự năng động và linh hoạt của doanh nghiệp, 2) mức độ chấp nhận rủi ro/cân đối lợi ích của các ngân hàng cho vay; và 3) danh mục các dự án được Bộ Xây dựng cấp phép.
Mở cánh cửa giảm rủi ro hệ thống
Bên cạnh đó, nhìn nhận sự kém hiệu quả trong việc thực thi gói hỗ trợ lãi suất 2%, Ngân hàng Nhà nước đang mở ra thêm những cánh cửa để giảm thiểu rủi ro hệ thống cũng như thúc đẩy tăng trưởng phục hồi. Chẳng hạn, dự thảo sửa đổi Thông tư 16 dường như sẽ mở cơ hội để các ngân hàng thương mại “vươn tay” hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp mặc dù theo VDSC nhìn nhận cánh cửa không phải là quá rộng và kèm theo những quy định giám sát chặt hơn để đảm bảo không xảy ra thêm những bất ổn trong tương lai. Hay những thông điệp mới nhất của nhà điều hành về việc hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn cũng tạo thêm hy vọng, ràng buộc là nếu chính sách này được ban hành cũng phải cân nhắc kỹ về liều lượng và đối tượng. Về điều tiết thanh khoản hệ thống, Ngân hàng Nhà nước cũng đang có định hướng hỗ trợ thanh khoản nhất quán.
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến nay đã mua vào khoảng 4 tỉ USD, tương đương với phục hồi lại khoảng 15-17% lượng ngoại tệ bị hụt trong giai đoạn tỉ giá biến động của năm 2022. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng khoảng 94.000 tỉ đồng thông qua mua ngoại tệ, song song với việc rút ròng một lượng tiền khoảng 110.000 tỉ đồng thông qua việc phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước kỳ hạn 91 ngày. Từ giữa đến cuối tháng 3/2023, hoạt động bơm/hút ròng trên thị trường mở đã ngưng hẳn do lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh và các ngân hàng thương mại đã không còn nhu cầu vay mượn từ Ngân hàng Nhà nước. “Nếu tình hình này tiếp diễn thì từ cuối tháng 5/2023, một lượng lớn thanh khoản khoảng 110.000 tỉ đồng sẽ được bơm ra thị trường do tín phiếu 91 ngày đáo hạn”, VDSC cho biết.
Nhìn về lộ trình chính sách tiền tệ sắp tới, VDSC cho rằng có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên định với định hướng nới lỏng trong bối cảnh các áp lực về lạm phát, tỉ giá, thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu phần nào đã đi qua. Nếu rủi ro nhiều nhà đầu tư đang lo lắng là suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra thì việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành có lẽ nằm trong dự liệu của Ngân hàng Nhà nước.
Có thể bạn quan tâm