Thứ Hai | 22/10/2012 10:12

Dự kiến bỏ phiếu tín nhiệm trong 5 trường hợp

Theo Viện trưởng viện Nghiên cứu lập pháp Quốc hội Đinh Xuân Thảo, trường hợp bị đánh giá tín nhiệm thấp sẽ phải tự xin từ chức hoặc bị bãi nhiệm.
Hôm nay (22/10), dự thảo nghị quyết về việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp bầu và phê chuẩn sẽ được trình Quốc hội.

Trong bài phỏng vấn đăng trên Sài Gòn Tiếp thị ngày 22/10, Viện trưởng viện Nghiên cứu lập pháp Quốc hội Đinh Xuân Thảo cho biết, việc lấy phiếu sẽ được thực hiện mỗi năm một lần, đối với toàn bộ chức danh do Quốc hội bầu, bổ nhiệm, phê chuẩn.

Việc lấy phiếu được chia làm 2 mức: lấy phiếu tại Quốc hội, áp dụng cho những chức danh từ cấp bộ trưởng trở lên (49 người).

Lấy phiếu tại các ủy ban, các ban chuyên trách đối với cấp phó các ủy ban, các ban chuyên trách đó trở xuống (thành viên đơn vị nào lấy phiếu ở đơn vị đó – bao gồm 380 người). Các ủy ban phải tổng hợp để báo cáo trước toàn thể Quốc hội.

Có bốn mức độ đánh giá: tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình, tín nhiệm thấp và chưa có ý kiến.

Việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện trong phạm vi hẹp hơn, bao gồm năm trường hợp: trường hợp thứ nhất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị.

Thứ hai, do ít nhất 20% đại biểu quốc hội đề nghị. Theo đó, nếu có 2 – 3 đại biểu đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm một trường hợp nào đó, Quốc hội sẽ cho lấy ý kiến, nếu từ 20% đại biểu trở lên tán thành, sẽ tổ chức bỏ phiếu với trường hợp đó.

Trường hợp thứ ba, do hội đồng Dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội đề nghị (có thẩm quyền như UBTVQH). Thứ tư, người lấy phiếu tín nhiệm hai năm liên tục có tín nhiệm thấp (50% ý kiến trở lên đánh giá thấp). Thứ năm, người đưa ra lấy phiếu tín nhiệm lần đầu song có trên 2/3 ý kiến đánh giá tín nhiệm thấp.

"Dự thảo quy chế quy định, khi người nào đó bị đánh giá tín nhiệm thấp (từ 50% số phiếu trở lên đánh giá là tín nhiệm thấp) sẽ phải tự xin từ chức. Nếu không, cơ quan, tổ chức nào giới thiệu người đó ứng cử sẽ phải làm thủ tục bãi nhiệm, đồng thời giới thiệu người thay thế.", ông Thảo nói.

Ông Thảo cho biết thêm, người trong diện bỏ phiếu sẽ được UBTVQH thông báo 30 ngày trước khi bỏ phiếu và họ phải làm báo cáo tường trình quá trình công tác trên cương vị đó gửi đến các đại biểu. Trong vòng 10 ngày trước thời điểm chất vấn, đại biểu Quốc hội có quyền gửi văn bản yêu cầu người trong diện bỏ phiếu làm rõ thêm…

Thậm chí, trong trường hợp cần thiết, UBTVQH sẽ tiến hành thẩm tra, xác minh những vấn đề được coi là khuyết điểm, tồn tại của người trong diện bỏ phiếu. Quy định này nhằm để cả người trong diện bỏ phiếu và các đại biểu Quốc hội tìm hiểu, tiếp cận thông tin, hạn chế tình trạng tung tin thiếu chính xác, một chiều để gây mâu thuẫn nội bộ.

Dự thảo quy chế sẽ được thảo luận tại kỳ họp này. Nếu được thông qua, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để ban hành quy chế lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh do Quốc hội và Hội đồng Nhân dân bầu và phê chuẩn để kỳ họp tháng 5/2013 bắt đầu tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.

Tuy nhiên, vào kỳ họp này, kể cả chưa tổ chức lấy phiếu mà có trường hợp chức danh nào có ý kiến đề nghị thì Quốc hội cũng tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm.

Nguồn Sài Gòn tiếp thị


Sự kiện