Thứ Sáu | 07/09/2012 16:12

Dư địa tài khóa hỗ trợ tăng trưởng không còn nhiều

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước khó mở rộng do bị giới hạn bởi chỉ tiêu an toàn nợ công.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã có bản báo cáo đánh giá tình hình 2012 và triển vọng 2013.

Theo bản báo cáo này, năm 2013, tín dụng của nền kinh tế sẽ được cải thiện đáng kể so với năm 2012 trên cả 2 phương diện cung và cầu. Về phía cung tín dụng, nhờ vào những biện pháp tích cực của Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản của hệ thống ngân hàng sẽ duy trì được sự ổn định hơn và do đó các ngân hàng thương mại nhiều khả năng sẽ điều chỉnh chính sách tín dụng theo hướng thân thiện hơn với khách hàng khi môi trường vĩ mô ổn định.

Do vậy cung tín dụng sẽ được nới rộng hơn. Cầu tín dụng cũng sẽ được cải thiện đáng kể do tổng cầu của nền kinh tế được cải thiện hơn, hàng tồn kho giảm, lãi suất ngân hàng giảm mạnh so với năm 2012.

Ủy ban cho rằng, nhu cầu đầu tư sẽ khởi sắc hơn trong năm 2013 và sẽ phụ thuộc đáng kể vào sự hồi phục của lĩnh vực xây dựng và bất động sản - lĩnh vực có sức lan tỏa khá lớn đến các ngành sản xuất khác có liên quan như xi măng, sắt thép, gạch ngói…

Bên cạnh đó, tuy vẫn chưa có được những động lực tăng mạnh nhưng tiêu dùng cuối cùng của khu vực tư nhân và khu vực Nhà nước phần nào sẽ khởi sắc hơn trong năm 2013. Ngược lại, xuất khẩu năm 2013, khó có thể cao hơn nhiều so với năm 2012 về cả lượng lẫn giá.

Về nguồn vốn đầu tư, từ nay đến năm 2015, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã được định mức l45.000 tỷ đồng/năm nên vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước khó mở rộng do bị giới hạn bởi chỉ tiêu an toàn nợ công. Vì thế, dư địa để tăng đầu tư tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế không còn nhiều. Vốn FDI, năm 2013 dự báo chưa được cải thiện nhiều so với năm 2012.

Tổng hợp những phân tích trên cho thấy, vấn đề tăng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2013 chủ yếu sẽ dựa vào nhân tố tăng vốn khu vực dân doanh (bao gồm cả vốn tín dụng ngân hàng).

Xét trên cả 2 phương diện tổng cung và tổng cầu, Ủy ban dự báo năm 2013 nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế sẽ khởi sắc hơn 2012. Tuy nhiên, do còn không ít thách thức ở cả trong và ngoài nước, Ủy ban đề xuất xây dựng kế hoạch tăng trưởng kinh tế năm 2013 ở mức 5,5-6%.

Ủy ban cũng đã phân tích những yếu tố tác động đến lạm phát năm 2013 với ảnh hưởng của cả nhân tố tích cực và nhân tố bất định. Theo Ủy ban, thành công của việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô năm 2012 (tính đến tháng 8 năm 2012) đã củng cố lòng tin của thị trường, duy trì ổn định giá trị VND và trở thành nhân tố quan trọng hàng đầu cho mục tiêu kiểm soát lạm phát cho năm 2013.

Tổng cầu của nền kinh tế nếu xét trên phương diện điều hành vĩ mô về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với quan điểm ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô xuyên suốt trong trung hạn sẽ tạo nền tảng ổn định hỗ trợ cho việc kiểm soát lạm phát năm 2013. Nếu như giá lương thực thực phẩm và giá nhiên liệu trên thị trường thế giới không có đột biến thì lạm phát nhập khẩu sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến lạm phát trong nước.

Ủy ban dự báo năm 2013, lạm phát sẽ chịu tác động ở nhiều nhân tố bất định. Mặc dù đã được cải thiện đáng kể, song lạm phát kỳ vọng vẫn là một thách thức lớn nhất cho việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô trong năm 2013. Nếu những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013, lạm phát không được kiểm soát trong phạm vi mục tiêu sẽ gây tác động tâm lý và gây hiệu ứng lạm phát kỳ vọng. Nhu cầu điều chỉnh giá một số mặt hàng cơ bản như điện, nước, điều chỉnh lương cơ bản và những biến động giá dầu lửa trên thế giới có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến lạm phát của Việt Nam trong năm 2013.

Với những nhận định trên và xuất phát từ quan điểm tiếp tục duy trì mục tiêu “ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát” tạo nền tảng bền vững cho tăng trưởng các năm tiếp theo, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia kiến nghị năm 2013 sẽ điều hành kinh tế vĩ mô trên cơ sở lạm phát mục tiêu ở mức khoảng 6%.

Phương án 1: Dự kiến tổng sản phẩm trong nước GDP tăng khoảng 6-6,5%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), dự kiến thấp hơn hoặc bằng năm 2012 (7-8%).Phương án 2: GDP dự kiến tăng khoảng 5,5-6%, CPI tăng khoảng 7-8%.Trên cơ sở cân nhắc 2 phương án tăng trưởng nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất lựa chọn phương án tăng trưởng 6% để làm căn cứ xây dựng các cân đối vĩ mô.

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Sự kiện