Dư địa để sử dụng margin vẫn còn lớn
Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Phú Khôi, Tổng giám đốc CTCK ACBS cho biết, ước tính dư nợ margin ở thời điểm hiện tại không quá cao, chỉ khoảng 2% so với vốn hóa thị trường, và vẫn còn thấp hơn khoảng 30 - 40% so với giai đoạn cuối quý I, nên tác động của giải chấp, nếu có xảy ra, cũng sẽ không đáng kể.
Thị trường đã tăng khá mạnh trong thời gian qua, nên việc sẽ có những phiên điều chỉnh là dễ hiểu. Tuy nhiên, với tâm lý thị trường đang rất tích cực sau khi VN-Index lập đỉnh 6 năm (vượt đỉnh 2009 ở 633 điểm), đợt điều chỉnh có thể không kéo dài.
Cũng theo ông Khôi, các tín hiệu kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và có chiều hướng tốt: lạm phát 8 tháng chỉ 1,84% (so với đầu năm) hay 4,31% (so với cùng kỳ); vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tính chung 8 tháng đầu năm đạt 7,9 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ; cán cân thương mại tháng 8 đã có thặng dư nhẹ sau nhiều tháng thâm hụt; lãi suất tiền gửi tiếp tục hạ và lãi suất cho vay hạ đáng kể với gói lãi suất ưu đãi xuống mức thấp kỷ lục; tỷ giá USD/VND ổn định suốt 12 tháng vừa qua.... Tất cả các yếu tố đó đã củng cố lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, khiến họ có khuynh hướng mua vào khi thị trường giảm.
Nhiều CTCK cũng cho biết, ở giai đoạn hiện nay, hoạt động margin dù có tăng đáng kể so với quý II, nhưng vẫn đang ở mức độ vừa phải và không quá cao hoặc "nóng" như giai đoạn tạo đỉnh hồi tháng 3/2014. Theo CTCK VCB (VCBS), rủi ro của hoạt động margin luôn tiềm ẩn nhưng trong thời điểm hiện tại là không đáng lo ngại.
Diễn biến thị trường cho thấy, tuy áp lực bán chốt lời đã xuất hiện, nhưng cũng không ồ ạt. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, thị trường luôn nhận được sự nâng đỡ tốt cả từ phía cầu nội lẫn cầu ngoại mỗi khi cung có dấu hiệu tăng mạnh, nên kịch bản nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy cao bị đẩy vào thế phải giải chấp là ít xảy ra. Hơn nữa, nhiều CTCK cho biết, dư địa để sử dụng margin vẫn còn khá lớn và nhà đầu tư còn được "hưởng lợi" từ việc tăng giá trong giai đoạn vừa qua, áp lực giải chấp trong ngắn hạn là khá nhỏ.
Quan sát diễn biến của thị trường trong thời gian qua cho thấy, nếu như những sóng trước đây chỉ tập trung vào một nhóm cổ phiếu bluechip hoặc một số DN trong ngành dầu khí, xây dựng… thì đợt tăng giá hiện tại diễn ra trên diện rộng, có thêm sự cộng hưởng của rất nhiều cổ phiếu, trong đó có cả những cổ phiếu "đầu cơ".
Theo ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc môi giới khách hàng cá nhân CTCK VNDirect, sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân đang trở lại sôi động như cuối tháng 2, đầu tháng 3/2014 và tình hình sử dụng margin cũng sắp chạm đến ngưỡng cao như giai đoạn đỉnh điểm quý I/2014. Tuy nhiên, khi thị trường vẫn tăng giá nhờ sự hỗ trợ đều đặn của dòng vốn ngoại thì chưa xuất hiện các rủi ro lớn đáng lo ngại về giải chấp trong ngắn hạn. Nhưng điều này cũng cho thấy, động lực đi lên của thị trường đang phụ thuộc nhiều vào dư địa của dòng vốn ngoại và việc tăng quá nóng bởi dòng tiền margin luôn tạo ra sự không bền vững.
Có thể thấy, về nguyên tắc, việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao sẽ tạo ra rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp giá cổ phiếu sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, khả năng điều chỉnh mạnh của thị trường ở thời điểm hiện tại là thấp và bản thân nhà đầu tư hiện cũng khá nhanh nhạy, chủ động trong việc quản lý tỷ lệ margin của mình. Bởi vậy, hiện chưa phải là thời điểm quá lo lắng về tình trạng margin hay giải chấp.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán