Dù còn khó khăn, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư tốt
Báo cáo Chỉ số phát triển kinh tế tại các thị trường mới nổi (HSBC Emerging Markets Index - EMI) tháng 1/2013 của Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) phối hợp với Công ty Markit Economics thực hiện cho biết, EMI đã tăng từ 53 điểm vào tháng 12/2012 lên 53,9 điểm trong tháng 1.
Đây là mức cao nhất kể từ tháng 2/2012 và chỉ thấp hơn một chút so với mức 54,2 điểm - số điểm trung bình trong 7 năm qua. Các nhà sản xuất đạt mức tăng sản lượng mạnh nhất kể từ tháng 5/2011. Tuy nhiên, trong tháng 1, tình hình sản xuất ở khu vực Đông Nam Á trong tình trạng không tốt bằng các thị trường mới nổi khác. Chỉ Việt Nam có sản lượng sản xuất tăng nhẹ và các nhà sản xuất Việt Nam thể hiện sự lạc quan nhất đối với kỳ vọng sản lượng sản xuất.
Không chỉ các báo cáo kinh tế vĩ mô của một số tổ chức nước ngoài đưa ra những dự báo tích cực, mà nhiều chuyên gia kinh tế trong nước cũng có những nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, dù vẫn còn nhiều nghi ngại về trung và dài hạn.
Chia sẻ với ĐTCK, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận, trong năm 2013, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư tốt. Còn dè dặt về khoảng cách từ tuyên bố đến những động thái chính sách cụ thể, nhưng các nhà đầu tư ngoại có niềm tin sắt đá vào tiềm năng nền kinh tế Việt Nam. Điều này được minh chứng bởi thời gian qua dù chính sách còn nhiều bất cập, nhưng các nhà đầu tư vẫn gặt hái được những kết quả tích cực tại Việt Nam.
“Đối với các nhà đầu tư nước ngoài dù chính sách vĩ mô có những tác động không phải lúc nào cũng thuận lợi đến hoạt động đầu tư nhưng niềm tin không mất đi, thị trường, năng lực sản xuất, những lợi thế cạnh tranh, lợi thế nền tảng… của Việt Nam vẫn hấp dẫn họ”, ông Thành nói và phân tích thêm, nền kinh tế Việt Nam có cái hay là không bao giờ mất hết lợi thế.
Việt Nam không bao giờ là trường hợp thất bại hoàn toàn về mặt chính sách, nhưng chính sách cũng chưa đủ độ mạnh, độ quyết liệt để xoay chuyển tình hình. Ví như năm 2012 là một năm đầy khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng thấp.
Nhưng đan xen giữa những mảng tối này vẫn có những khoảng sáng khá tích cực như: lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, xuất khẩu tăng, tỷ giá vẫn ổn định... Do đó, những nhà đầu tư đã ở Việt Nam vẫn trụ lại, nhưng bối cảnh kinh doanh chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư mới.
“Lượng lớn đầu tư mới đến từ Nhật Bản vào Việt Nam là điểm tích cực nhưng nếu phần đầu tư này bị bỏ đi, bức tranh sẽ kém sáng sủa hơn nhiều. Những dự án với quy mô lớn được lập ra để thu hút đầu tư có thể hiểu được về mặt tâm lý, nhưng thực tiễn đã chứng minh những dự án nhỏ và vừa gộp lại sẽ thành công hơn”, ông Thành nhấn mạnh.
Đồng tình với những đánh giá này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao đưa kinh tế Việt Nam trở về trạng thái bình thường để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. 5 năm qua, diễn biến kinh tế Việt Nam rất bất bình thường, đó là tình trạng chưa bao giờ xuất hiện kể cả khi khủng hoảng châu Á xảy ra và Việt Nam cũng chỉ mất có 3 năm để phục hồi kinh tế. Dẫu sao, điểm tích cực là Chính phủ đã nhìn nhận ra và chấp nhận hy sinh tăng trưởng để ít nhất trở lại được trạng thái ổn định ban đầu.
“Tuy nhiên, không phải kinh tế Việt Nam đã qua mà là đang đi qua cơn bão, nên có thể qua mà cũng có thể không. Điều đó phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của Chính phủ. Về chính sách, Chính phủ đã hành động đúng khi không để xảy ra đổ vỡ, khủng hoảng… Nhưng cần quyết tâm nữa đó là đưa nền kinh tế về trạng thái ổn định ban đầu trước đây 5 năm để thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài”, ông Hiếu nói.
Để tạo sức cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác, ông Thành cho rằng: Thứ nhất, nguồn lực của Nhà nước phải đến thực sự từ cổ phần hóa DNNN, bán một phần tài sản, chứ không phải là in tiền, phát hành trái phiếu… để có tiền xử lý những thua lỗ, mất mát trong đó có nợ xấu của ngân hàng.
Thứ hai, cần triển khai kỷ luật sắt về tài khóa và tiền tệ, ngăn chặn tình trạng vung tay quá trán. Nghĩa là các địa phương, DN không thể nghĩ ra dự án và có dự án là tự động được tài trợ bằng trái phiếu chính phủ. Để có được điều này, bên cạnh việc chặt chẽ trong việc chấp thuận các dự án, hoạt động của các tổ chức giám sát phải thực chất và hiệu quả hơn.