Ảnh: CNN
Dư chấn 0% của FED
“Tôi rất hạnh phúc và tôi muốn chúc mừng FED. Đó là một bước đi lớn và tôi cảm thấy hạnh phúc khi họ làm điều đó”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi Cục Dữ trự Liên bang Mỹ (FED) như vậy khi cơ quan này quyết định giảm lãi suất về gần 0%.
Mỹ khẩn cấp
Thực ra, chính sự hoảng loạn của người dân và đà bán tháo tại Phố Wall vì COVID-19 đã khiến FED buộc phải hạ lãi suất khẩn cấp lần thứ 2 trong tháng. Đồng thời, FED cũng cam kết mua thêm ít nhất 700 tỉ USD trái phiếu chính phủ. Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết: “Các biện pháp này sẽ có tác động đáng kể lên hoạt động kinh tế trong ngắn hạn”.
Quyết định trên của FED được cả thế giới theo dõi sát sao trong bối cảnh nhiều nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh lan tràn. Tại Việt Nam, theo nhóm tác giả Viện Đào tạo - Nghiên cứu Ngân hàng BIDV, việc FED và ngân hàng trung ương các nước liên tiếp hạ lãi suất cơ bản thời gian qua sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc giảm lãi suất điều hành đối với cơ quan quản lý của Việt Nam.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định giảm cùng lúc 5 loại lãi suất cùng với biên độ lớn từ 0,25-1 điểm phần trăm. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu, xem xét đưa ra quyết định về lãi suất điều hành với xu hướng giảm trong thời gian tới. “Đây là lãi suất áp dụng với các nguồn tái cấp vốn, chiết khấu, OMO, cho vay qua đêm… và là một trong những cơ chế, chính sách giúp các ngân hàng luôn có thanh khoản dồi dào để hỗ trợ nguồn vốn, lãi suất tốt hơn cho doanh nghiệp”, ông Tú cho biết. Theo các chuyên gia phân tích, về mặt tích cực, sau quyết định của FED, mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất huy động bằng USD sẽ giảm hơn so với trước đây. Qua đó góp phần giảm chi phí huy động vốn của Chính phủ cũng như doanh nghiệp khi huy động vốn nước ngoài, nhất là trái phiếu quốc tế. Ngoài ra, việc giảm lãi suất sẽ khiến đồng USD bị yếu đi một chút, giúp xoa dịu áp lực tỉ giá đối với VND.
Tuy vậy, việc Ngân hàng Nhà nước dùng công cụ hạ lãi suất chưa thể hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế do trong bối cảnh chịu cú sốc ngắn hạn như hiện nay, điều mà người dân và doanh nghiệp cần chính là dòng tiền, thanh khoản hỗ trợ tức thì, trong khi việc giảm lãi suất có độ trễ.
“Áp lực này có thể khiến cơ quan quản lý xem xét giảm nhẹ lãi suất điều hành, nhưng cần lưu ý là tác động sẽ không nhiều và dư địa giảm lãi suất của Việt Nam hiện nay khá eo hẹp do áp lực lạm phát vẫn rất lớn. Chỉ số CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2020 đã tăng 5,91% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 7 năm (cách xa mục tiêu 4%) trong khi lạm phát cơ bản tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019 (cách khá xa mức điều hành thông thường khoảng 2-2,5%)”, nhóm nghiên cứu Ngân hàng BIDV nhận định.
Ngoài ra, việc giảm lãi suất hiện nay cũng sẽ không hỗ trợ nhiều đối với việc cho vay mới khi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Có thể thấy, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng trong 2 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 0,1% (cùng kỳ tăng 0,85%).
Việt Nam khẩn trương
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, Ngân hàng HSBC, cho rằng, khi lãi suất hạ quá nhanh có thể gây áp lực lên lạm phát, vốn đã có mặt bằng cao hơn so với cùng kỳ. Theo ông, phản ứng của FED và các ngân hàng trung ương khu vực sẽ có ảnh hưởng lớn hơn với diễn biến của tỉ giá và lãi suất trong thời gian tới. “Đồng bạc xanh suy yếu sau khi FED hạ lãi suất có thể đồng nghĩa với việc nhiều đồng tiền khác trong khu vực châu Á trở nên mạnh hơn”, ông Khoa nhấn mạnh.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, việc FED tiếp tục cắt giảm lãi suất đã chứng tỏ nền kinh tế của thế giới nói chung và Mỹ nói riêng trở nên bất ổn và khó khăn hơn. Điều này sẽ tác động tới nền kinh tế Việt Nam qua việc giảm nhu cầu về thương mại, hoạt động đầu tư, trong tương lai có thể Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng đánh giá, Mỹ và Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, nên khi cả 2 đồng tiền USD và nhân dân tệ đều giảm giá sẽ tạo thách thức rất lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam. “Trung Quốc là nước láng giềng của Việt Nam thì hàng hóa xuất khẩu sang Việt Nam sẽ rẻ hơn, có nguy cơ tràn vào Việt Nam một cách ồ ạt, cạnh tranh và gây sức ép mạnh mẽ với các doanh nghiệp Việt”, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cảnh báo.
Vì vậy, đối với tình hình thế giới hiện nay, cần có những kịch bản phù hợp để tránh việc tạo ra bất ngờ đối với kinh tế, thương mại đầu tư tài chính tiền tệ của Việt Nam. Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI, nỗ lực kích thích kinh tế đồng thời bằng cả chính sách tiền tệ và tài khóa của Chính phủ sẽ giảm thiểu những thiệt hại từ dịch bệnh. Tăng trưởng kinh tế sẽ được bù đắp từ cuối năm 2020 và năm 2021, khi hàng loạt dự án hạ tầng bằng vốn đầu tư công bắt đầu lan tỏa sang các thành phần kinh tế. Việt Nam sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 là 6,8%, nhưng điều quan trọng là đẩy nhanh được việc tạo lập các nền tảng cho tăng trưởng cao trong tương lai