Bảo hiểm tài sản đang ngày càng gia tăng tỉ trọng. Nguồn: Enterprise Apps Today
Dự báo Top 5 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2024
Bước vào những tháng cuối năm 2023, Igloo, một công ty công nghệ có trụ sở tại Singapore, tiết lộ Top 5 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ sẽ thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2024.
Bảo hiểm tài sản
Những ngày gần đây, người dân Việt Nam liên tục phải gánh chịu những hậu quả của thiên tai, hỏa hoạn. Tháng 9 vừa qua, vụ hỏa hoạn ở Hà Nội đã thiêu rụi một tòa chung cư 10 tầng. Cùng lúc đó, mưa lớn và lũ quét tại Lào Cai và các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa và tài sản của người dân. Với việc thiên tai diễn ra ngày càng nhiều, điều quan trọng là cần có giải pháp bảo vệ tài sản quý giá và tăng khả năng phục hồi tài chính cho người dân.
Bảo hiểm cháy nổ
Vụ hỏa hoạn hồi đầu tháng 9 vừa qua tại Hà Nội đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cháy nổ ở các chung cư trên cả nước. Vì thế, bảo hiểm cháy nổ được kỳ vọng sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ người tiêu dùng. Bên cạnh nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống cháy nổ, việc trang bị bảo hiểm cháy nổ để bảo vệ tài sản trước những mất mát, thiệt hại do hỏa hoạn mang lại là rất cần thiết. Đây cũng là tiêu chí quan trọng để người mua và thuê nhà lựa chọn nơi sinh sống trong tương lai. Vì thế, các đơn vị quản lý xây dựng, các chủ đầu tư, chủ nhà nên cân nhắc lựa chọn trang bị những sản phẩm cháy nổ phù hợp cho tài sản bất động sản của mình.
Bảo hiểm thú cưng
Số lượng người nuôi thú cưng đang không ngừng tăng lên, đặc biệt là ở các thành phố lớn, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 11%. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi ngày càng nhiều người coi thú cưng như thành viên trong gia đình. Trên thực tế, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy khoảng 22% thế hệ Millennials và Gen Z cho biết họ sẽ trì hoãn việc sinh con và thay vào đó là nuôi thú cưng. Các dịch vụ liên quan đến thú cưng cũng vì thế mà ngày càng phát triển. Bảo hiểm cho thú cưng cũng tăng trưởng với mức ấn tượng với tốc độ trung bình hàng năm là 23,4% và không có dấu hiệu chậm lại.
Bảo hiểm sức khỏe và tai nạn cá nhân
Bảo hiểm sức khỏe không phải là sản phẩm mới nhưng đã, đang và sẽ là động lực phát triển của ngành bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. Đặc biệt là với sự già hóa dân số cùng sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu đã kéo theo nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao tăng lên đáng kể.
Bảo hiểm sức khỏe được cung cấp bởi hầu hết các công ty bảo hiểm trong nước. Tuy nhiên, một trong những lý do chính khiến người tiêu dùng ngần ngại khi mua sản phẩm bảo hiểm này là sự thiếu tính cá nhân hóa. Các sản phẩm bảo hiểm truyền thống thường bao gồm phạm vi bảo hiểm rộng, làm tăng chi phí, trong khi phạm vi bảo hiểm lại không sát với nhu cầu của người dùng. Người tiêu dùng Việt Nam cực kỳ nhạy cảm về giá. Với việc so sánh và đánh giá các tính năng như quy trình lập hồ sơ và yêu cầu bồi thường, định giá và phí bảo hiểm cũng như phạm vi bảo vệ, các công ty bảo hiểm phải tạo ra lợi điểm bán hàng độc nhất (USP) rõ ràng để tăng tính cạnh tranh.
Bảo hiểm chỉ số thời tiết
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước khí hậu bất thường. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, gây thiệt hại lớn đặc biệt là với những cộng đồng mà sinh kế phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên như nông dân. Cần thực hiện các biện pháp để bảo vệ cộng đồng yếu thế này trước thời tiết khắc nghiệt. Bảo vệ người nông dân không chỉ giúp giải quyết vấn đề an sinh xã hội mà còn quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia. Với quy trình yêu cầu bồi thường đơn giản dựa trên các chỉ số thời tiết được xác định trước, bảo hiểm chỉ số thời tiết dự kiến ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm hơn của nông dân trên cả nước.
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 112.741 tỉ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 34.910 tỉ đồng, tăng trưởng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Chiếm tỉ trọng lớn nhất trong doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ là bảo hiểm sức khỏe (bao gồm bảo hiểm tai nạn con người và chăm sóc sức khỏe), chiếm 31,4% với 10.946 tỉ đồng doanh thu.
Đứng thứ 2 là bảo hiểm tài sản thiệt hại với doanh thu 10.119 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 29%. Trong đó, doanh thu bảo hiểm cháy nổ (bắt buộc và tự nguyện) đóng góp một nửa doanh thu, phần còn lại đến từ bảo hiểm tàu và bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, lần lượt đóng góp 16% và 13,6%.
Bảo hiểm xe cơ giới đứng thứ 3 doanh thu, đạt 8.823 tỉ đồng chiếm tỉ trọng 25,3% trong tổng doanh thu toàn thị trường. Các nghiệp vụ bảo hiểm khác gồm bảo hiểm trách nhiệm đạt 879 tỉ đồng, bảo hiểm hàng không 575 tỉ đồng, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính 514 tỉ đồng, bảo hiểm nông nghiệp đạt 25 tỉ đồng, và bảo hiểm bảo lãnh 17 tỉ đồng.
Có thể bạn quan tâm: