Theo TPS, tỉ lệ tiêu dùng tư nhân và tốc độ tăng trưởng của tiêu dùng tư nhân tại Việt Nam cũng ở mức cao và chiếm khoảng 67% GDP năm 2023. Ảnh: TL.

 
Khánh An Chủ Nhật | 30/06/2024 10:29

Dự báo thu nhập khả dụng bình quân đầu người của Việt Nam

Thị trường bán lẻ trong những năm tới được hậu thuẫn bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự gia tăng của thu nhập khả dụng.

Ngoại trừ năm 2015, tốc độ tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng Việt Nam luôn duy trì mức 2 chữ số trong giai đoạn 2005 - 2019. Tốc độ tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất vào năm 2008, 31% so với cùng kỳ. Đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine, đã ảnh hưởng không tích cực tới ngành bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng trong giai đoạn 2020 - 2021. 

Năm 2023, mặc dù đã vượt qua những khó khăn nhưng ngành bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng vẫn chịu nhiều áp lực, tăng trưởng của ngành chậm lại. 

Bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2024 ghi nhận mức tăng trưởng 8,7% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng 5 tháng đầu năm 2023 (12,6%) và trước dịch (5 tháng đầu năm 2019 tăng 11,6% so với cùng kỳ) do sự chậm lại của nhóm bán lẻ hàng hóa. 

Nguồn: TPS.
Nguồn: TPS.

Theo dự báo của Mordor Intelligence, quy mô bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam năm 2024 ước tính 276,4 tỉ USD và 488,1 tỉ USD năm 2028, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 12,1%, cho thấy sự phát triển ổn định của thị trường bán lẻ trong dài hạn.

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), mặc dù tăng trưởng 5 tháng đầu năm không như kỳ vọng nhưng vẫn khá tích cực trong bối cảnh hiện tại. 

“Sự phát triển của thị trường bán lẻ trong những năm tới được hậu thuẫn bởi các yếu tố bao gồm thu nhập khả dụng và chi tiêu của hộ gia đình tăng nhanh, mức độ đô thị hóa vẫn còn thấp so với khu vực, quy mô dân số tăng và cơ cấu dân số thay đổi và sự phát triển của Internet và thương mại điện tử”, TPS nhận định. 

Cũng từ báo cáo của TPS, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của Việt Nam dự báo sẽ tăng rất nhanh, khoảng 3.007 USD/người/năm vào năm 2023 và dự kiến khoảng 4.500 USD/người/năm vào năm 2028. Chi tiêu thực tế của hộ gia đình Việt Nam dự kiến tăng 98% lên 348,9 tỉ USD vào năm 2028 so với 177,0 tỉ USD vào năm 2018. 

 

Theo TPS, tỉ lệ tiêu dùng tư nhân và tốc độ tăng trưởng của tiêu dùng tư nhân tại Việt Nam cũng ở mức cao và chiếm khoảng 67% GDP năm 2023, tăng 7,7% so với cùng kỳ vào năm 2022. 

Tỉ lệ tiêu dùng cá nhân trong GDP của Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Philippines (73,8%), cao hơn Malaysia (57,0%) và Indonesia (57,3%). Tăng trưởng thu nhập khả dụng của hộ gia đình cao sẽ là nền tảng vững chắc để thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành bán lẻ tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Trong năm 2024, chi tiêu của hộ gia đình tăng cao ở các nhóm ngành như: chăm sóc nhà cửa (tăng 9,7% so với cùng kỳ), chăm sóc sức khỏe ( tăng 8,4% so với cùng kỳ), chi tiêu cho giáo dục (tăng 8,1% so với cùng kỳ), hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 7,8% so với cùng kỳ). 

Có thể bạn quan tâm 

Lợi nhuận của doanh nghiệp thép dự báo tiếp tục phục hồi trong quý II