Dòng vốn FDI thực tế ghi nhận từ đầu năm đến nay là 2,6 tỉ USD vào tháng 2. Ảnh: TL.

 
Nhật Lệ Thứ Tư | 29/03/2023 10:36

Dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6,6%

Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và các Thị trường Toàn cầu của Ngân hàng UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6,6%.

Ngày 27/3, Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và các Thị trường Toàn cầu của Ngân hàng UOB (UOB Global Economics & Markets Research) đã công bố Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu quý II/2023, trong đó có đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam quý II/2023. 

Sau khi ghi nhận mức tăng kỷ lục 13,67% trong quý III/2022, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam trong quý IV/2022 trở lại mức bình thường là 5,92% so với cùng kỳ, khi nhu cầu bên ngoài đang có dấu hiệu sụt giảm. Trong năm 2022, GDP của Việt Nam tăng 8,02% từ mức 2,58% ở năm 2021, đây là kết quả tăng trưởng tốt nhất kể từ năm 1997. 

 

Mặc dù dữ liệu cả năm cho thấy kết quả tăng trưởng mạnh rộng khắp các ngành, nhưng khi phân tích chi tiết dữ liệu, các dấu hiệu của sự suy giảm tăng trưởng khá rõ ràng và đáng quan ngại. Lĩnh vực sản xuất hầu như không mở rộng, trong khi xuất khẩu ghi nhận tháng giảm thứ 3 liên tiếp trước khi có chuyển biến tích cực vào tháng 2/2023. 

Dữ liệu gần đây cũng cho thấy hầu hết các lĩnh vực bên ngoài đều chịu áp lực suy giảm. Xuất khẩu chuyển biến tích cực trong tháng 2 (tăng 11,3%) sau 3 tháng sụt giảm liên tiếp. Tuy nhiên, xét về mặt giá trị, giá trị xuất khẩu bình quân từ tháng 1 đến tháng 2 là 2,6 tỉ USD, thấp hơn gần 20% so với mức trung bình là 30,8 tỉ USD vào năm 2022, điều này cho thấy tình trạng suy giảm trong xuất khẩu có thể kéo dài trong nhiều tháng tới.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đang cho thấy dấu hiệu trì trệ vào đầu năm 2023, với dòng vốn FDI thực tế ghi nhận từ đầu năm đến nay là 2,6 tỉ USD vào tháng 2, giảm so với mức 2,7 tỉ USD được ghi nhận trong cùng kỳ năm trước. 

 

Tuy nhiên, một thông tin tích cực là lĩnh vực dịch vụ đang dần phục hồi. Khách du lịch nội địa tính đến hết tháng 2 đã đạt 1,8 triệu lượt khác, và so với mức 50.000 lượt khách trong cùng tháng năm ngoái khi các hạn chế về COVID-19 có hiệu lực. 

“Tựu trung lại, chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6,6% khá sát với mức dự báo tăng 6,5% từ Chính phủ Việt Nam. Điều này có tính đến dự báo tăng trưởng trong quý I/2023 ở mức 6,45% so với cùng kỳ, phần lớn là do cơ sở tính toán thấp trong năm 2022”, Ngân hàng UOB nhìn nhận. Một số rủi ro bên ngoài tiếp tục gây áp lực lên triển vọng này: 1) Xung đột Nga - Ukraine và tác động của nó lên giá cả năng lượng, lương thực và hàng hóa 2) sự thay đổi và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu 3) thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu, và 4) các biến động trong lĩnh vực ngân hàng toàn cầu với tác động của nó đối với niềm tin thị trường. 

Giá tiêu dùng đang có dấu hiệu đảo chiều, tuy nhiên vẫn còn sớm để khẳng định xu hướng này có bền vững hay không. Điều đáng lo ngại là lạm phát cơ bản vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu chung, đây sẽ là một trong những mối quan tâm lớn đối với Ngân hàng Trung ương.

Có thể bạn quan tâm 

Đầu tư công, động lực thay thế quan trọng với chỉ báo tăng trưởng