Hình ảnh minh họa: Quý Hòa.

 
Nhật Anh Thứ Sáu | 03/02/2023 13:57

Dự báo sẽ không còn đợt tăng lãi suất điều hành nào trong 2023

Đó là góc nhìn của FiinRatings trong báo cáo được công bố mới đây về triển vọng của thị trường vốn năm 2023.

Sau hai năm đình trệ tăng trưởng do tình hình dịch bệnh phức tạp, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 đã phải đối mặt với nhiều thách thức lớn và biến động khó lường. Các mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra bị thử thách bởi nhiều biến cố quốc tế như tình hình lạm phát cao kỷ lục; xung đột chính trị giữa Nga - Ukraine khiến chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu bị đứt gãy; và sự chuyển dịch chính sách có phần quyết liệt từ phía Ngân hàng Trung ương các nước. 

 

Ở trong nước, một loạt các sai phạm về thị trường chứng khoán và thị trường tài sản đã làm sụt giảm thanh khoản thị trường, siết chặt các kênh vốn và làm xáo trộn tâm lý thị trường. Đứng trước các khó khăn trên, tình hình vĩ mô Việt Nam trong 2022 vẫn chứng kiến nhiều điểm sáng trong bức tranh chung: mức tăng GDP kỷ lục ở 8,02%, thặng dư thương mại đạt 10,68 tỉ USD, tổng thu Ngân sách Nhà nước đạt 126,4% dự toán, nhu cầu trong nước ổn định.

Theo đánh giá của Đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa FiinRatings, đây sẽ là những động lực chính giúp ổn định nền kinh tế Việt Nam trước dự báo suy thoái toàn cầu, đồng thời thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong và ngoài nước tăng trưởng để vượt qua thời kỳ khó khăn trên.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, FiinRatings ước tính đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ có điểm rơi vào năm 2023 và 2024, tương đương 157.970 và 341.270 tỉ đồng. Thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu. Tuy nhiên, FiinRatings kỳ vọng áp lực đáo hạn sẽ được giải tỏa nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 65 cho phép gia hạn nợ được thông qua. 

 

Về lãi suất toàn cầu năm 2023, FED đã nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào kỳ họp tháng 2, tương đương với việc đưa lãi suất tham chiếu lên mức 4,5% - 4,75%. Dữ liệu kinh tế tháng 12/2022 của Mỹ cho thấy tăng trưởng tiền lương và lao động đã chậm lại và chỉ số giá PCE lõi giảm còn 4,4%, song vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%. Đây là cơ sở để FED tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt trong ít nhất quý I/2023 và duy trì ở mức này đến hết năm. 

FiinRatings kỳ vọng mặt bằng lãi suất Việt Nam sẽ neo cao trong ít nhất quý I/2023 trước khi hạ nhiệt. Cuộc đua giữa các ngân hàng thương mại đã đẩy lãi suất cho vay lên 11,6%/năm, nhờ đó xu hướng găm giữ USD đã có sự đảo chiều. Việc Ngân hàng Nhà nước niêm yết giá ở 23.450 đồng cho thấy động thái mua bổ sung dự trữ ngoại hối từ ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, thu hút FDI đăng ký mới và xuất khẩu đuối dần ở quý II/2022 khi các thị trường lớn giảm tốc cũng khiến triển vọng lãi suất 2023 khó khăn hơn.

Một vài biến số cần lưu ý gồm (i) áp lực lạm phát quay lại khi kinh tế Trung Quốc phục hồi, (ii) Xung đột chính trị chưa có dấu hiệu kết thúc, (iii) Hành động của Mỹ để xử lý trần nợ công. 

Lãi suất giai đoạn cuối năm sẽ được hỗ trợ bởi đầu tư công, trong đó FiinRatings kỳ vọng tốc độ giải ngân sẽ nhanh hơn so với năm 2022 (đạt 67,27% kế hoạch). Năm 2023 sẽ tiếp nhận các dự án trọng điểm gồm Sân bay Long Thành, Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, Đường vành đai 3, Đường vành đai 4. Ngoài ra, thiếu hụt nguồn cung đá xây dựng cũng được giải tỏa khi Luật đầu khí sửa đổi đã được thông qua tạo điều kiện cho việc khai thác các mỏ đá hết hạn.

Có thể bạn quan tâm 

Khoảng 150.000 tỉ đồng sẽ được "bơm" vào nền kinh tế