Thứ Hai | 07/10/2013 16:44

Dự báo rủi ro cho các doanh nghiệp là cần thiết

Những thông tin của CVR lần này đóng vai trò giúp cho cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những khó khăn, rủi ro gặp phải.
Mới đây, Hội đồng Biên soạn Báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam, Công ty CP Xếp hạng Tín nhiệm Doanh nghiệp Việt Nam (CRV) và Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ công bố “Báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam 2013”.

Phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Nguyễn Khắc Minh - Chủ tịch Hội đồng Biên soạn Báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam về những nội dung mới được công bố.

Đây là năm thứ tư Báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam được công bố, xin ông cho biết những vấn đề chính mà Báo cáo lần này đề cập đến?

Báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam năm nay ngoài việc bổ sung thêm phần đánh giá thực trạng kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm và một số dự báo cho những tháng cuối năm 2013, báo cáo còn tiến hành xếp hạng 100 doanh nghiệp hiệu quả nhất, tập trung vào nhóm các doanh nghiệp quy mô lớn có trên 1.000 lao động; Đưa ra kết quả xếp hạng tín nhiệm 568 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ mức A đến mức C (từ tối ưu cho đến yếu kém). Sau thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, CRV đã xây dựng được phương pháp xếp hạng cổ phiếu của mình và đã công bố kết quả xếp hạng cổ phiếu từ năm 2012. Việc xếp hạng cổ phiếu của CRV đã có phản ứng tốt từ dư luận. Tiếp tục thành công đã đạt được, năm nay CRV đã tiến hành xếp hạng cổ phiếu cho 674 cổ phiếu theo hệ thống thang đo là A, B, C, D và F (từ mức A: rủi ro thấp, an toàn cho đến F: là mức rủi ro cao nhất).

Theo ông, điểm khác biệt nào giữa Báo cáo Chỉ số tín nhiệm Việt Nam năm 2013 so với những năm trước?

Không giống như các báo cáo thường niên khác, khi trình bày về tình hình kinh tế Việt Nam, chúng tôi đã đi sâu phân tích nguyên nhân tụt hạng hay lên hạng của nền kinh tế. Báo cáo đã sử dụng phương pháp phân tích so sánh, tổng hợp đánh giá để đưa ra các nhận định làm cơ sở cho các khuyến nghị chính sách. Chẳng hạn việc GCI (Global Competitiveness Index) đã nâng điểm của trụ cột giáo dục bậc cao nhưng lại giảm điểm tiêu chí sáng tạo. Báo cáo đã chỉ ra nguyên nhân là GCI chưa tính đến chất lượng của giáo dục bậc cao của Việt Nam.
Báo cáo cũng có kết luận những trụ cột thể hiện trình độ và hiệu quả sản xuất liên quan đến yếu tố cũng đều dễ bị tổn thương hơn khi nền kinh tế đang ở chu kỳ đi xuống. Như các trụ cột hiệu quả thị trường hàng hóa, thị trường tài chính, mức độ sẵn sàng về công nghệ, trình độ kinh doanh sáng tạo đều có mức độ giảm…

Việc xếp hạng hiệu quả của 100 doanh nghiệp có quy mô lớn cũng là một điểm mới của nghiên cứu này. Việc phát hiện ra các doanh nghiệp lớn có hiệu quả có ý nghĩa quan trọng trong việc điều hành quản lý sản xuất. Các doanh nghiệp lớn được đánh giá hiệu quả sẽ cho hình mẫu về khả năng quản lý và tổ chức sản xuất cao. Việc định hướng kinh doanh trong doanh nghiệp lớn có hiệu quả cũng sẽ là những chỉ dẫn quan trọng cho các doanh nghiệp trong ngành và là những gợi ý tốt cho cơ quan có thẩm quyền để thực hiện tái cấu trúc ngành.

Tổ chức đứng ra thực hiện xếp hạng tín nhiệm luôn luôn phải đứng giữa nhiều phản ứng trái chiều của dư luận. Theo ông, làm thế nào để xếp hạng tín nhiệm tạo được sự đồng thuận cao hơn trong công chúng?

Khi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đưa ra bản đánh giá thị thường nhận được nhiều phản ứng trái chiều chưa hẳn báo cáo đó không tốt. Nếu tạo đồng thuận theo cách “đánh bóng” kết quả, đánh giá dựa vào cảm tính hay theo một chiều sẽ đi ngược lại với ý nghĩa của xếp hạng tín nhiệm. Trong bối cảnh kinh tế phát triển ngày một tinh vi, thì các tổ chức tín nhiệm cần tiếp tục nâng cao phương pháp luận, thông tin đầu vào cần chính xác hơn nữa. Từ đó có những báo cáo chuẩn xác, kịp thời, góp phần hoàn thiện nền kinh tế thị trường.

Tại Việt Nam, tâm lý tránh ‘vạch áo cho người xem lưng” khiến không phải DN nào cũng hào hứng tham gia xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên,thời gian qua, nhiều tổ chức, DN đã dành nhiều chi phí để “mua thông tin” liên quan tới đối tác, không ít DN đã quen với việc công khai tình hình “sức khỏe” của mình. Điều này cho thấy các DN VN đang ngày càng tiếp cận gần hơn với các phương pháp hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế. Cuộc khủng hoảng tài chính kèm theo một số khó khăn của kinh tế vĩ mô đã khiến cho một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng rủi ro, đặc biệt là rủi ro về tài chính. Những thông tin của bản báo cáo xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp lần này đóng vai trò giúp cho cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những khó khăn, rủi ro gặp phải. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp được đánh giá ở thứ hạng cao có thể chiếm nhiều ưu thế về nâng cao năng lực cạnh tranh, ưu thế về huy động vốn đặc biệt là trong giai đoạn thị trường huy động vốn hiện đại như ngày nay.

Nguồn VCCI


Sự kiện