Thứ Bảy | 01/12/2012 07:26

Dự báo mức tăng lương khối doanh nghiệp giảm

Đó là nhận định của Công ty tư vấn về nhân sự toàn cầu của Mỹ tại Việt Nam Towers Watson sau đợt khảo sát hơn 250 doanh nghiệp Việt Nam.
Ngày 30/11, công ty này công bố kết quả khảo sát lương và chế độ đãi ngộ toàn ngành tại các doanh nghiệp 2012, cho biết mức tăng lương của các doanh nghiệp giảm từ 13,8% năm 2012 xuống 12,2% năm 2013.

Ngành sản xuất và bán lẻ là hai ngành có mức tăng lương dự báo cao nhất, con số này lần lượt là 15,2% và 14%. Việc trả lương có xu hướng chuyển dịch từ chế độ trả lương cố định sang chế độ trả lương theo thành tích.

Trong khi đó, tỷ lệ nghỉ việc tự nguyện giảm từ mức 13,1% (2011) xuống 12,2% ở năm 2012. Trong đó, ngành tài chính là ngành có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất, chiếm 16%. Tài chính cũng là ngành có mức tăng lương thực tế và dự báo thấp nhất, với mức 12,2% năm 2012 và 12,1% năm 2013.

Trước công bố này, một số chuyên gia về tiền lương tỏ ra hoài nghi về số liệu. Ông Đặng Quang Điều - Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn cho rằng, tiền lương tăng hay giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố cung- cầu trên thị trường lao động, nhu cầu việc làm nhiều mà số chỗ làm giảm thì đương nhiên lương giảm theo.

"Công ty đó cho rằng năm 2013 kinh tế suy thoái nữa nên khó có thể có mức tăng cao hơn. Nhưng theo dự báo của các nhà kinh tế, năm 2013 không khó khăn hơn năm 2012 nên khó có thể nói giảm mức tăng lương được" - ông Điều nói.

Cũng theo phân tích của ông Điều, trong khối doanh nghiệp, Chính phủ đã có lộ trình tăng lương năm 2013 và dự kiến sẽ được thực hiện từ 1/1/2013 với mức tăng lên tới trên 25% (so sánh mức tăng lương tối thiểu vùng 1 từ 2 triệu lên 2,5 hoặc 2,7 triệu đồng/tháng).

Còn ông Hoàng Minh Hào - Vụ phó Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐTBXH) thì nhấn mạnh, mức lương tối thiểu và mức lương thực trả cho lao động ở các doanh nghiệp là khác nhau và bao giờ lương thực trả cũng cao hơn, bởi vậy tỷ lệ tăng lương thực tế sẽ khác tỷ lệ tăng lương tối thiểu.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện