Đơn hàng sản xuất của Việt Nam giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc sẽ có tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp và xây dựng trong quý đầu tiên của năm 2023. Ảnh: TL.

 
Việt Hà Thứ Sáu | 17/03/2023 19:00

Dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,6% trong quý I/2023

Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,6% so với cùng trong quý đầu tiên của năm 2023.

Mức tăng này thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng 5,9% trong quý IV/2022. Ngành dịch vụ được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong quý I/2023 nhờ du lịch phục hồi mạnh mẽ. Lưu ý rằng quý đầu tiên của năm 2022 vẫn là mùa du lịch thấp điểm khi Việt Nam mở cửa đón khách du lịch quốc tế từ ngày 15/03/2022.

VNDirect dự báo ngành dịch vụ sẽ tăng trưởng ở mức 7,9%  so với cùng kỳ trong quý I/2023, thấp hơn một chút so với mức cao đột biến là 8,1% so với cùng kỳ trong quý IV/2022. Tuy nhiên, vẫn là sự cải thiện mạnh mẽ so với mức tăng 4,6% so với cùng kỳ trong quý đầu tiên của năm 2022. 

 

Đơn hàng sản xuất của Việt Nam giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc sẽ có tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp và xây dựng trong quý đầu tiên của năm 2023. VNDirect dự báo ngành này chỉ tăng 3,7% trong quý I/2023, giảm từ mức 4,2% trong quý IV/2022 và 6,4% trong quý I/2022. 

Cuối cùng, ngành nông lâm nghiệp và thủy sản được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 3,1% so với cùng kỳ trong quý I/2023. 

“Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ dần phục hồi trong các quý còn lại của năm 2023, đến từ kỳ vọng từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể hỗ trợ kinh tế toàn cầu phục hồi. Điều này cũng sẽ hỗ trợ sự phục hồi của ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam cả năm 2023 ở mức 6,2%”, VNDirect nhận định. 

Bên cạnh đó, tổ chức này cũng chỉ ra những rủi ro đối với dự báo này liên quan đến 3 vấn đề chính. 

 

Thứ nhất, là lạm phát cao hơn kỳ vọng. VNDirect cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại là một biến số đối với lạm phát toàn cầu trong năm 2023. Tiêu dùng phục hồi mạnh hơn dự kiến của Trung Quốc có thể thúc đẩy lạm phát toàn cầu cao hơn dự báo.

Thứ hai, chỉ số đồng USD (DXY) mạnh hơn dự kiến có thể gây thêm áp lực lên tỉ giá hối đoái của Việt Nam. Cụ thể, các thị trường đang đặt kỳ vọng cao vào kịch bản FED chỉ tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản. Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó, chẳng hạn như lạm phát cao hơn dự báo hoặc tăng trưởng tiền lương cao hơn dự kiến, thì có khả năng FED sẽ tăng lãi suất điều hành cao hơn so với kỳ vọng của thị trường. Điều này có thể khiến chỉ số DXY mạnh lên và gây thêm áp lực lên tỉ giá VND.

Thứ ba, tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến của các đối tác thương mại lớn sẽ tác động tiêu cực hơn đến xuất khẩu của Việt Nam. Kịch bản tăng trưởng xuất khẩu của VNDirect dựa trên giả định kinh tế Mỹ tránh được suy thoái trong năm 2023. Trong trường hợp kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái thì xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 sẽ bị tác động xấu hơn.

Có thể bạn quan tâm 

Tác động của sự kiện SVB lên tài chính khu vực châu Á là không lớn