Dự báo GDP cả năm tăng khoảng 5,2%
Với mức tăng đạt được trong quý III và dự báo quý IV thấp so với nhiều năm gần đây, tốc độ tăng GDP cả năm khoảng 5,2%, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (kể cả năm 2009 tăng 5,32%).
Theo ông Đỗ Thức, công nghiệp nước ta hiện chiếm khoảng 35% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và là ngành có ảnh hưởng quyết định đến tốc độ tăng GDP trong những năm gần đây.
Năm 2012 là năm sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Ước tính, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2012 chỉ tăng ở mức 4,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với các năm trước đó.
Trong sản xuất công nghiệp, nhóm ngành công nghiệp khai khoáng, nhóm ngành sản xuất và phân phối điện nước ổn định và tăng khá. Khó khăn tập trung ở sản xuất của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo-nhóm ngành chiếm gần 71% giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp.
Chỉ số sản xuất của nhóm ngành chế biến, chế tạo của 9 tháng năm 2012 chỉ tăng 3,9% so cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng này thấp hơn tốc độ tăng chung của toàn ngành công nghiệp và thấp hơn hẳn tốc độ tăng của các năm trước đó. Trong công nghiệp chế biến mặc dù chỉ số tồn kho đang giảm dần (từ 34,9% thời điểm 1/3 xuống còn 20,4% thời điểm 1/9) nhưng vẫn ở mức cao.
Ông Thức cũng nói thêm rằng, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, phải tập trung khắc phục 3 vấn đề chính.
Thứ nhất, giải quyết tốt vấn đề hàng tồn kho tại các doanh nghiệp (chỉ số tồn kho sản phẩm công nghiệp đang ở mức cao, trên 20%) để doanh nghiệp tạo vốn cho sản xuất ở chu kỳ tiếp theo.
Thứ hai, khơi thông nguồn vốn vay cho sản xuất kinh doanh. Để giải quyết vấn đề này cần sự tích cực và chia sẻ cả từ phía doanh nghiệp và ngân hàng.
Thứ ba, có chính sách động viên tiết kiệm, hợp lý. Tiết kiệm cả trong sản xuất kinh doanh để tạo ra sản phẩm có giá thành phù hợp. Tiết kiệm cả trong tiêu dùng cuối cùng của dân cư và chi tiêu công, khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Cũng nhận thấy rằng, ở một số quốc gia, khi nền kinh tế rơi vào trì trệ thì Chính phủ thực hiện “gói kích cầu” đủ mạnh để nền kinh tế vượt qua. Ở nước ta năm 2009 cũng đã làm như vậy. Tình hình hiện nay có điểm giống nhưng có điểm khác năm 2009.
Thời gian tới khi tình hình không được cải thiện mà buộc phải sử dụng giải pháp này thì cần nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và thận trọng, có sự chuẩn bị đầy đủ để tránh xảy ra tình trạng năm 2009 (GDP có tăng nhưng hệ quả là đã làm cho CPI các năm sau tăng quá cao).
Nguồn VnEconomy