Thứ Hai | 15/10/2012 10:26

Dự báo doanh nghiệp bớt khó khăn trong quý IV

Các doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV vẫn tiếp tục khó khăn, nhưng mức độ ít hơn so với ba quý đầu năm.
Báo cáo động thái doanh nghiệp Việt Nam quý III/2012 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khảo sát trực tuyến trên trang vbis.vn cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp quyết định giữ nguyên quy mô kinh doanh, tỷ lệ này chiếm 96,7%.

Chỉ có 18,1% doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô kinh doanh đến cuối năm 2012, còn 11,4% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô kinh doanh. Số doanh nghiệp có thể tạm dừng hoạt động là 0,7% và 0,2% doanh nghiệp có thể đóng cửa, giải thể.

Nhìn chung, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý III/2012 khó khăn hơn nhiều so với quý II/2012. Các doanh nghiệp dự báo rằng tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2012 vẫn tiếp tục khó khăn, nhưng mức độ khó khăn của quý IV được dự đoán là ít hơn so với ba quý đầu năm.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký của VCCI bình luận, các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý III/2012 có chiều hướng xấu đi tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là chỉ số về lợi nhuận trên đơn vị sản phẩm, tổng doanh số và hàng tồn kho. Chiều hướng này cũng được quan sát thấy ở các quý khảo sát trước đó nên đây vẫn là những điểm đáng quan ngại của các doanh nghiệp.

Trong đó, chỉ số lợi nhuận bình quân trên một đơn vị sản phẩm có xu hướng giảm mạnh nhất trong các chỉ tiêu đánh giá kết quả tình hình sản xuất kinh doanh, mặc dù xu thế giảm này được dự đoán là ở tốc độ chậm hơn vào quý IV/2012. Lợi nhuận bị giảm mạnh là nguyên chính gây lên sự ảm đạm của chỉ số động thái tổng hợp của tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2012.

Bên cạnh đó, hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị giảm, số lượng công nhân viên cũng giảm, nguyên nhân là do trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sản xuất lâm vào tình trạng đình đốn dẫn đến nhu cầu tuyển dụng lao động ở một số ngành giảm so với quý trước.

Kết quả điều tra về tổng thể môi trường chính sách và điều hành vĩ mô được các doanh nghiệp đánh giá là có xu hướng xấu đi (chỉ số động thái thực thấy của yếu tố này đạt -1 điểm), mặc dù các điều kiện khác như tính đơn giản, nhất quán, minh bạch, công bằng, sự cải thiện trong thái độ và ý thức trách nhiệm của các bộ công quyền, thủ tục hành chính và hiệu lực thi hành chính sách đều có xu hướng được cải thiện.

Về vốn vay và lãi suất, trong số các doanh nghiệp trả lời khảo sát ở quý III3/2012, có 82,6% doanh nghiệp đang vay vốn ở mức lãi suất 15% trở xuống, nhưng trong số đó chỉ có 0,6% doanh nghiệp cho rằng mức lãi vay 15% là hợp lý, trên 55,9% doanh nghiệp cho biết không thể chịu được mức lãi vay này trong lâu dài.

Điều tra về các biện pháp và chính sách nhằm khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp, có tới 65,3% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho rằng việc nới lỏng tín dụng có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong khi đó, có 24,9% doanh nghiệp cho rằng việc này không có tác động gì vì sức mua của thị trường giảm nên có nới lỏng tín dụng thì doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Chỉ có 9,1% doanh nghiệp cho rằng động thái này sẽ làm cho tình hình kinh tế vĩ mô lành mạnh hơn.

Về thực trạng nhu cầu và khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, có khoảng 20-23% trả lời rằng doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn ngân hàng vì sử dụng vốn tự có và các nguồn vốn khác, hoặc doanh nghiệp không thể vay ngân hàng do lãi suất quá cao, hoặc doanh nghiệp không thể vay vốn ngân hàng vì không đáp ứng được các điều kiện vay vốn như không có tài sản thế chấp hoặc thủ tục cho vay vốn quá rườm rà.

Liên quan đến chính sách lãi suất, trong các mức lãi suất từ 6 - 7% đến 22-23%, các doanh nghiệp được đề nghị chỉ ra đâu là mức họ đang phải vay, đâu là mức họ thấy hợp lý, và đâu là mức họ cho là mức cao nhất doanh nghiệp có thể chịu đựng được về lâu dài.

Kết quả cho thấy rằng 82,6% số doanh nghiệp hiện đang vay ở mức lãi suất 15% trở xuống. Vẫn còn tồn tại 17,4% doanh nghiệp đang phải vay với mức lãi suất từ 16% trở lên. Đây có thể là những khoản vay phát sinh trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định trần lãi suất cho vay là 15%.

Tuy Chính phủ đã rất nỗ lực để hạ trần lãi suất cho vay đến 15% nhưng chỉ có 0,6% số doanh nghiệp cho rằng mức lãi vay này là hợp lý trong thời điểm hiện tại. Nếu buộc phải chấp nhận mức lãi suất 15% thì chỉ có 44,1% số doanh nghiệp thấy có thể chịu được trong thời gian lâu dài.

Nghĩa là, 55,9% số doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nếu phải chịu mức lãi vay này trong lâu dài. Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng mức lãi suất hợp lý từ 10-11% là 31,1% và tỷ lệ này của mức 8-9% là 31,7%.

Đối với vấn đề hàng tồn kho, 63,1% doanh nghiệp tham gia trả lời khảo sát cho rằng hàng tồn kho thực sự là mối lo ngại của doanh nghiệp trong giai đoạn này, trong đó 34,7% doanh nghiệp có hàng tồn kho quý 3 tăng lên so với quý 2, 33,5% bằng với quý 2 và 31,8% doanh nghiệp giảm so với quý 2/2012.

Trước thực trạng đó, nhiều doanh nghiệp cũng tìm mọi cách để giải phóng hàng tồn kho. Trong đó, giải pháp tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới được nhiều doanh nghiệp áp dụng, chiếm 53,3%, tiếp đó là giải pháp giảm giá bán chiếm 24,1% và chỉ có 4,1% doanh nghiệp áp dụng giải pháp đưa hàng về nông thôn.

Bên cạnh đó, khi được hỏi về những giải pháp nào mà doanh nghiệp cho rằng Chính phủ nên thực hiện để giúp doanh nghiệp giảm bớt hàng tồn kho, có tới 28,8% doanh nghiệp cho rằng

Chính phủ nên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, 25,8% doanh nghiệp cho rằng nên điều chỉnh giá của một số mặt hàng, dịch vụ đầu vào như lãi suất, giá điện...

Chỉ có 1,2% doanh nghiệp ủng hộ giải pháp cải tiến cơ chế đấu thầu và hỗ trợ các kênh phân phối đưa hàng về nông thôn.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện