Chủ Nhật | 18/01/2015 18:29

Dự báo CPI tháng 1 biến động nhẹ

Theo dự báo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2015 chỉ biến động nhẹ so với tháng 12-2014.

Nhiều mặt hàng giá cả ổn định

Tháng 1-2015 là tháng cận Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, theo quy luật hàng năm, mặt bằng giá thị trường chịu tác động bởi một số yếu tố như nhu cầu sản xuất, chế biến, mua sắm hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán tăng; sức mua có khả năng thanh toán trong dịp cuối năm tăng có thể gây sức ép lên mặt bằng giá...

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá, thị trường tháng này cũng có các yếu tố tác động góp phần bình ổn thị trường, kiềm chế tăng giá, như: Giá nhiều hàng hoá, nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới dự báo giảm nhẹ. Trong nước, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tăng cường chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết, tăng cường công tác bình ổn giá, kiểm tra, kiểm soát thị trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các chương trình khuyến mại, giảm giá cũng được nhiều doanh nghiệp, địa phương thực hiện trong những tháng cuối năm sẽ góp phần giảm áp lực tăng giá thị trường.

Bên cạnh đó là tác động theo độ trễ của việc giảm giá xăng, dầu trong thời gian qua, giá cước vận tải có xu hướng giảm, giá một số hàng hóa, dịch vụ có khả năng ổn định hoặc giảm như: đường, sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi, thép xây dựng, LPG, dược phẩm... sẽ góp phần giảm áp lực tăng giá.

 Đối với mặt hàng gạo, về cung cầu, dự kiến sản lượng lúa trong nước năm 2015 đạt 43,81 triệu tấn. Sau khi trừ tiêu dùng nội địa khoảng 28,1 triệu tấn, lượng lúa hàng hóa cần tiêu thụ cả năm 2015 khoảng 14,9 triệu tấn, tương đương khoảng 7,7 triệu tấn gạo. Về giá cả, nguồn cung thế giới và trong nước được bổ sung từ vụ thu hoạch mới trong khi nhu cầu chưa có nhiều biến động nên dự kiến giá gạo ổn định. Một số loại gạo chất lượng cao có thể tăng nhẹ.

Mặt hàng thực phẩm được dự báo tăng nhưng không nhiều do nguồn cung ổn định. Theo Cục Chăn nuôi- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến tổng sản lượng thịt hơi các loại năm 2015 tăng 3,36% so với năm 2014, ước đạt 4.623.500 tấn thịt các loại, trong đó thịt lợn hơi ước đạt 3.370.300 tấn, tăng 2,57% so với năm 2014; thịt gia cầm 836.000 tấn, tăng 6,66%, thịt trâu, bò ước khoảng 396.200 tấn, tăng 3,2%. Trong thời gian tới, mặc dù nhu cầu sẽ tăng để phục vụ sản xuất, tiêu dùng dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán nên giá các loại thực phẩm sẽ có xu hướng tăng nhưng mức tăng không nhiều do nguồn cung ổn định.

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng thiết yếu như giá xăng dầu, giá gas, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá thép, xi măng... cũng được dự báo giá cả ổn định trong tháng trước Tết Nguyên đán, trái với quy luật hàng năm là một tin vui đối với người tiêu dùng.

Cẩn trọng lạm phát do độ trễ chính sách

Mặc dù áp lực lạm phát từ thị trường thế giới vào trong nước năm 2015 không quá cao, cùng với những thành tựu đạt được về phát triển kinh tế- xã hội của năm 2014, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh năm 2014 sẽ tiếp tục phát huy tác dụng... là những thuận lợi để phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát của năm 2015 đã đề ra.

Tuy nhiên, năm 2015 cũng tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh năm 2014, tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi có thể xảy ra và việc tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ, quan trọng, thiết yếu (điện, than cho sản xuất điện, dịch vụ khám chữa bệnh, học phí...). Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, cần quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý, điều hành  kinh tế vĩ mô trong đó có công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá.

Theo đó các bộ, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo có liên quan. Đồng thời, tiếp tục phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần bình ổn thị trường và kiểm soát lạm phát như chính sách tài khoá chặt chẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt; điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư công; tăng cường quản lý thị trường, hoàn thiện hệ thống lưu thông phân phối theo hướng giảm bớt các tầng nấc trung gian...

Trước mắt trong những tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 (tháng 1, tháng 2 và tháng 3-2015), bên cạnh việc tổ chức triển khai những nhiệm vụ được giao theo Nghị Quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ban, ngành, địa phương cần chủ động có kế hoạch dự trữ, chuẩn bị hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân trong dịp Tết Nguyên Đán năm 2015; nhân rộng mô hình bình ổn giá không sử dụng vốn NSNN theo Nghị quyết số 23/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động phối hợp với các địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp để đầu tư cho sản xuất, phát triển kênh phân phối và dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường, đặc biệt trong dịp Tết.

Trong bối cảnh giá xăng dầu tiếp tục giảm sâu (tính đến ngày 6-1-2015 giá xăng đã giảm 6.640 đồng/lít, giá dầu diezel đã giảm 6.330 đồng/lít so với đầu năm 2014), để tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô, đề nghị Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra thực hiện kê khai giảm giá cước theo xu hướng giảm giá xăng dầu. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về kê khai giá theo quy định của pháp luật.

Năm 2015, Liên Hợp quốc dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục cải thiện trong hai năm 2015 và 2016. Theo đó, kinh tế thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng lần lượt là 3,1% và 3,3%, sau khi ước tăng khoảng 2,6% trong năm 2014. Theo một số nhà phân tích quốc tế, giá hàng hóa dự báo giảm trong thời gian tới nhất là giá năng lượng. Giá xăng dầu trên thế giới vẫn duy trì ở mức thấp và có thể giảm thêm 10- 15% so với hiện tại vào giữa năm 2015 và có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2015.

Đây là các yếu tố thuận lợi trong điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chỉ tiêu về tăng trưởng và lạm phát trong năm 2015.

Nguồn Hải quan