Thứ Ba | 31/05/2016 12:30

Dự án sân bay Phan Thiết: Nhà đầu tư nào đứng sau?

Với dự án 1.600 tỷ đồng ở Phan Thiết, Rạng Đông vừa trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đầu tư vào làm sân bay dân dụng theo hình thức BOT.

Dù là một nhà đầu tư kín tiếng nhưng Rạng Đông Group là cái tên được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Đây là nhà đầu tư gắn liền với các dự án làm “thay đổi bộ mặt du lịch” của Bình Thuận như Phố biển Rạng Đông, Sealink City, sân golf Sea Links... Gần đây, Rạng Đông lại thu hút dư luận khi công bố quyết định đầu tư hơn 1.600 tỉ đồng vào dự án sân bay Phan Thiết. Rạng Đông trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đầu tư vào làm sân bay (hạng mục hàng không dân dụng) theo hình thức BOT.

Được biết, đến thời điểm này, Ủy ban Nhân dân thành phố Phan Thiết đã tiến hành thu hồi đất, giải phóng mặt bằng được 389/543 ha, đạt 71,64% diện tích toàn dự án, để dự án sân bay Phan Thiết có thể hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2018 theo kế hoạch đề ra. Sân bay có năng lực khai thác đến năm 2020 là 500.000 lượt hành khách/năm và đến năm 2030 là 1 triệu lượt hành khách/năm. 

Mục tiêu của dự án sân bay Phan Thiết nhằm phục vụ hoạt động đi lại, du lịch với các chuyến bay nội địa hàng không dân dụng từ Phan Thiết đi Liên Khương, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc, Đà Nẵng, Phú Bài, Tuy Hòa, Phù Cát, Rạch Giá. Bên cạnh đó, dự án cũng có tầm ảnh hưởng trọng yếu đối với sự phát triển của tỉnh Bình Thuận cũng như chiến lược an ninh quốc phòng vùng biển, đảo khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

Du an san bay Phan Thiet: Nha dau tu nao dung sau?
Rạng Đông vừa công bố quyết định đầu tư hơn 1.600 tỉ đồng vào dự án sân bay Phan Thiết - Ảnh: canhodatnenvina.com

Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Tập đoàn Rạng Đông, rất hiếm khi xuất hiện trước truyền thông. Tuy nhiên, vị đại gia này cũng đã từng chia sẻ về sự mạo hiểm của mình trong dự án làm sân bay: “Chúng tôi đã tính toán 15 năm đầu sẽ lỗ vốn, 10 năm tiếp theo, chỉ hòa vốn, còn lại những năm sau mới thu lãi để bù lại”. Theo nhiều nhà phân tích, có thể dự án sân bay không mang lại hiệu quả ngay, nhưng sẽ tạo sức hút cộng hưởng cho nhiều dự án bất động sản khác của Rạng Đông tại Bình Thuận như Sealink City, sân golf Sea Links. 

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng đến năm 2020, tỉnh Bình Thuận sẽ trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển, đô thị du lịch biển mang tầm cỡ quốc gia. Chính sách phát triển hạ tầng cùng với nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng tăng mạnh tại Phan Thiết đã khiến bất động sản Phan Thiết thu hút nhiều dự án mới, đặc biệt là các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển. Theo đánh giá của Quỹ Đầu tư Vietnam Capital Partners, lượng khách du lịch nội địa sẽ tăng mạnh trong 5 năm tới và đây mới là đối tượng khách hàng chính của các nhà phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng hướng biển.

Rạng Đông hiện hoạt động trong các lĩnh vực xây lắp các loại cơ sở hạ tầng; các công trình BOT; khai thác khoáng sản; trồng rừng; trồng cao su; y tế; đầu tư khu dân cư, khu du lịch phức hợp (resort, khách sạn, sân golf...).  Dù có phần mạo hiểm nhưng dự án đầu tư vào sân bay Phan Thiết của Rạng Đông nhìn chung vừa mang lại hiệu quả kinh doanh cho Tập đoàn, vừa dễ nhận được sự hưởng ứng tích cực của địa phương và các doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trước mắt là những lo ngại rằng khả năng khai thác có thực sự mang lại doanh thu đáng kỳ vọng hay không? Phan Thiết cách TP.HCM khá gần và khá thuận tiện cho việc di chuyển bằng ôtô, xe máy. Ngoài ra, lượng khách đến đây thường do các công ty lữ hành vận chuyển bằng ôtô khá nhiều.

Theo anh Lê Thanh Hậu, chuyên viên điều hành tour một công ty du lịch, tại TP.HCM, lượng khách hiện tại chủ yếu là nhân viên các công ty đi nghỉ dưỡng, phương tiện chủ yếu là ôtô, còn khách lẻ thường đi tự túc bằng xe máy, xe khách. Các công ty du lịch ít khai thác tour bằng máy bay vì sợ chi phí sẽ rất cao so với mặt bằng chung. “Nếu giá vé máy bay cao và các điểm du lịch chưa thực sự thu hút bằng Nha Trang, Phú Quốc, chắc chắn du khách sẽ cân nhắc lại việc có nên đi Phan Thiết bằng máy bay hay không. Còn nếu giá vé thấp, lượng khách khai thác trong mỗi chuyến không đáng kể, hiệu quả khai thác sân bay có được duy trì trong thời gian dài hay không?”, anh Hậu phân tích.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thúc đẩy khách nội địa khu vực phía Nam đến Bình Thuận tăng đột biến trong năm 2015 thì khi có sân bay, du lịch Bình Thuận dự kiến sẽ hút thêm du khách các tỉnh phía Bắc và quốc tế. Việc xây dựng sân bay Phan Thiết sẽ tạo điều kiện cho nơi đây phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế.

Bình Thuận được biết đến là “thủ phủ resort” và du lịch với gần 400 dự án du lịch đang còn hiệu lực với tổng diện tích đất cấp là gần 7.500 ha, trong đó tổng vốn đăng ký hơn 55.290 tỉ đồng, với gần 300 cơ sở lưu trú đang hoạt động. Số lượng resort lên đến hàng trăm khu với gần 11.000 phòng nghỉ dưỡng. Với tiềm năng phát triển du lịch của xứ biển Bình Thuận như vậy thì dự án đầu tư sân bay của ông chủ Rạng Đông không hẳn là một “cú liều” mà sẽ đợi “cất cánh” với giấc mơ bay của mình.

Đức Tài