“Dự án bauxite Nhân Cơ sẽ lỗ trong 6-7 năm đầu”
Đó là thông tin từ ông Bùi Quang Tiến, Giám đốc Ban Quản lý dự án khai thác bauxite và sản xuất alumin Nhân Cơ, thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong buổi tiếp xúc với báo chí ngày 5/6 tại Đắk Nông.
Theo ông Tiến, tổng đầu tư hơn 16 nghìn tỷ nói trên, chưa bao gồm phần khai thác mỏ bauxite do báo cáo thăm do mỏ mới được duyệt, đang lập dự án đầu tư mỏ. Hơn nữa, trong quá trình triển khai dự án, giá trị tổng mức đầu tư ban đầu khoảng hơn 11 nghìn tỷ đồng không còn phù hợp nên TKV đã thuê tư vấn lập điều chỉnh lại tổng mức đầu tư.
Cũng tại buổi gặp gỡ báo chí, đại diện TKV đã giải đáp nhiều câu hỏi đang được dư luận quan tâm về dự án khai thác bauxite và sản xuất alumin Nhân Cơ như hiệu quả kinh tế, vấn đề xử lý bùn đỏ, môi trường, vận tải, an ninh quốc phòng…
Cụ thể, về hiệu quả kinh tế, ông Bùi Quang Tiến, cho hay do phải chịu lãi suất vay và khấu hao cao nên trong 6 -7 năm đầu hoạt động, nhà máy có thể sẽ phải chịu lỗ kế hoạch với giá trị khoảng hơn 2.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ năm thứ 7 trở đi, dự án này sẽ bắt đầu có lợi nhuận và với thời gian khai thác dự kiến trong vòng 30 năm, tổ hợp này sẽ mang lại cho TKV cũng như ngân sách nhà nước hơn 39.400 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án sẽ tạo điều kiện cho khoảng 2.000 lao động có công ăn việc làm, góp phần đáng kể vào GDP cho địa phương.
Đối với vấn đề xử lý bùn đỏ, đại diện Ban Quản lý dự án khẳng định, nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) cam kết độ PH của bùn thải ra nhỏ hơn 11, bùn được xử lý theo công nghệ cô đặc tới 65%, nên sẽ "không có chuyện vỡ khu chứa bùn đỏ loãng như ở Hungary".
Riêng việc vận chuyển bauxite có thể phá huỷ nhiều tuyến đường bộ như một số thông tin lo ngại, ông Tiến nói, một số báo và dư luận đã "hiểu sai" về vấn đề này. Trong suốt 30 năm vòng đời dự án, tập đoàn sẽ không vận chuyển một tấn bauxite nào ra khỏi khu vực nhà máy, mà chỉ có chở quặng tinh alumin với khối lượng ít hơn nhiều so với quặng nguyên khai.
Ông nói: “Với công suất dự kiến khoảng 650.000 tấn alumina/năm thì so với các nhà máy xi măng từ 2 -3 triệu tấn/năm, đây vẫn là một khối lượng quá ít nên không thể có chuyện tàn phá đường bộ”.
Về vấn đề quản lý lao động nước ngoài, đại diện Ban Quản lý dự án khẳng định, mọi hoạt động của hơn 260 lao động kỹ thuật, chuyên gia người Trung Quốc đang làm việc tại dự án đều được giám sát chặt chẽ, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Theo hợp đồng ký kết, toàn bộ số lao động này sẽ rút khỏi Việt Nam sau hai năm, sau đó tuyệt đối không có người nước ngoài nào tham gia vào quá trình khai thác mỏ cũng như vận hành tổ hợp này.
Về một số quan ngại về môi trường, hoàn thổ, nguồn nước, đại diện Ban Quản lý dự án cho rằng, sau khi khai thác, môi trường và đất đai được hoàn thổ "sẽ tốt hơn nhiều so với đất nguyên khai có đến hơn 40% là bauxite, sắt ở trong đó".
Nguồn Vneconomy