Đức Tài Thứ Hai | 24/04/2017 18:37

Dư âm đắng của The Kafe và bài học cho các startup

Cái chết của một thương hiệu cà phê trẻ như The Kafe cho thấy sự khắc nghiệt của một thị trường có sức tiêu thụ 17 tỉ ly cà phê mỗi năm.

Nếu đang làm trong một tổ chức lớn, thất bại với một dự án có thể gây ra cho bạn một vài rắc rối, hoặc tiếp tục làm việc hoặc bị sa thải. Tuy nhiên, nếu tự khởi nghiệp kinh doanh mà thất bại, chắc chắn là phải đóng cửa. Đó là nỗi đau đớn lớn nhất mà không ai có thể cảm nhận được nó nhiều như chính bản thân bạn”, cô gái triệu đô của startup Việt Đào Chi Anh đã tâm sự trên trang cá nhân của mình như vậy khi các cửa hàng The Kafe liên tục bị đóng cửa.

Cảnh báo đầu tiên cho tương lai “sớm nở tối tàn” của chuỗi cà phê The Kafe bắt nguồn khi CEO Đào Chi Anh bị tố nợ tiền nhà cung cấp và sự “rút lui” vai trò cầm lái, nhường lại hoàn toàn cho nhà đầu tư ngoại. Đến nay, chỉ sau 3 năm hoạt động và hơn 1 năm nhận vốn 5,5 triệu USD từ nhà đầu tư nước ngoài, Đào Chi Anh đã hoàn toàn rời khỏi The Kafe, bỏ lại sau lưng một mô hình kinh doanh từng gây tiếng vang trong phong trào khởi nghiệp.

Góp mặt tại thị trường TP.HCM trong chiến dịch “Nam Tiến”, The Kafe cùng với cựu CEO Chi Anh xuất hiện như một ngôi sao startup. The Kafe với 4 thương hiệu gồm The Kafe, The Kafe Village, The Kafe Box và The Burger Box cùng với 2 dòng đồ uống riêng đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng mới trong thị trường cà phê Việt Nam.

Trong các dự án của các doanh nhân trẻ được rót vốn bởi các quỹ đầu tư ngoại, 5,5 triệu USD rót cho The Kafe có thể không thực sự lớn. Nhưng Cassia Investments, một quỹ góp vốn tư nhân tập trung vào ngành tiêu dùng ở thị trường Đông Nam Á và Trung Quốc, thực sự đánh giá The Kafe là “một mô hình táo bạo, mới mẻ, một hình ảnh mới cho ẩm thực Việt Nam”.

Thời điểm đó, Đào Chi Anh từng tâm sự: “Chừng nào còn theo duổi một con đường riêng và không ngừng sáng tạo, thì The Kafe cũng sẽ vẫn đi trên con đường riêng ấy. Đó chính là lý do nhà đầu tư tin tưởng rằng chúng tôi có tương lai và sẵn sàng hỗ trợ về vốn để mở rộng mô hình của mình”.

Sự định hình ban đầu là một chuỗi cửa hàng cà phê đô thị phục vụ ẩm thực fusion (phong cách lai Âu Á) đầu tiên tại Việt Nam được nhiều người đánh giá cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mô hình của The Kafe còn quá nhiều khiếm khuyết để dẫn đến một cửa hàng “ăn không phải, uống cũng không, ăn sáng không ra, mà ăn trưa cũng chẳng hợp” như các chuyên gia về thương hiệu đã phân tích.

Du am dang cua The Kafe va bai hoc cho cac startup
 

Nhưng The Kafe thất bại có lẽ bởi nhiều nguyên nhân hơn ngoài vấn đề thương hiệu. Nhà sáng lập của The Kafe từng chia sẻ, trước kia chỉ quản lý 2 cửa hàng, cho đến khi hoạt động được 20 cửa hàng, phải quản lý hàng trăm nhân viên, hàng chục cửa hàng khiến cho The Kafe gặp khó khăn về quản trị.

Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, mô hình chuỗi cửa hàng cà phê tại Việt Nam đang đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 7% một năm, đầy tiềm năng. Tuy nhiên, kinh doanh chuỗi cà phê nhiều người nhận định là một cuộc đua đường dài cả về tiềm lực tài chính và khả năng quản lý, khả năng sáng tạo đổi mới liên tục. Vì vậy, có nhiều lo ngại đặt ra những chuỗi quán cà phê mang thương hiệu Việt sẽ nhanh chóng thất thế ngay trên sân nhà trước các đối thủ nước ngoài. The Kafe cũng chỉ là một tên tuổi mới so với rất nhiều chuỗi cà phê đã định hình thương hiệu như: Highlands Coffee, The Coffee House, The Cofee Bean & Tea Leaf hay Starbucks, McCafe, bên cạnh những chuỗi cà phê Phúc Long, Trung Nguyên, Saigon Café... Cái chết của một thương hiệu cà phê trẻ như The Kafe càng cho thấy sự khắc nghiệt của thị trường có sức tiêu thụ 17 tỉ ly cà phê mỗi năm.

Bỏ công việc ngàn đô tại một tập đoàn nổi tiếng để dấn thân vào khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực, Đào Chi Anh là đại diện tiêu biểu cho những người trẻ dám nghĩ, dám làm. Thương vụ từng được nhiều người ngưỡng mộ đã khép lại, không còn The Kafe nhưng dù sao cũng để một dấu ấn về những người trẻ tài năng, chinh phục được các nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, trên hết, sự thất bại của The Kafe là một bài học mới của phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ tại Việt Nam. Bài học này cho thấy thực tế phũ phàng của startup đằng sau tấm màn nhung của thành công tầm cỡ thế giới, của giấc mơ những tỉ phú trẻ. Dù được đưa lên thành một phong trào rầm rộ nhưng đừng quên con số và thực tế: hơn 90% startup đều ở trạng thái sống dở chết dở; nhiều startup thiếu kỹ năng cơ bản quản trị doanh nghiệp nên không nắm bắt được sức khỏe của doanh nghiệp, dễ dẫn đến mất kiểm soát và sụp đổ rất nhanh...

Đào Chi Anh đã có bài viết chia sẻ dài gần 2.000 từ về cuộc sống khó khăn của một doanh nhân. Ở đó, cô thừa nhận thực tế kinh doanh vốn chưa bao giờ dễ dàng. “Khi thua lỗ, không ai có thể cho bạn câu trả lời. Bạn phải tự tìm ra cách tốt nhất cho công ty. Không ai có thể giúp bạn cả. Bạn phải tin tưởng vào bản năng của chính mình, dù nó sẽ đưa bạn đi trên một con đường mà không ai từng đi trước đó - bạn sẽ trở thành kẻ độc hành trên con đường đó”. Sự tự tin vẫn còn đó và thất bại của những người trẻ luôn là những bài học quý giá làm nền tảng cho những thành công sau này.

Đức Tài