Tín hiệu đáng mừng là Việt Nam chứng kiến làm sóng doanh nghiệp đầu tư vào nông sản. Ảnh: TL

 
Hoàng Hà Thứ Hai | 11/01/2021 13:30

Drone trên đồng và A.I nuôi bò

Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số để tạo ra những đột phá trong nông nghiệp.

Tập đoàn Mỹ Lan phối hợp với tỉnh Đồng Tháp triển khai mô hình cánh đồng thông minh. Sau 4 năm vận hành, nông dân theo mô hình này đã biết sử dụng smartphone để truy cập thông tin về mực nước, chất lượng nước để có thể lấy nước vào khi canh tác bất cứ lúc nào.

Các thiết bị thông minh khác cũng được lắp đặt trên đồng ruộng như hệ thống quan trắc, mạng lưới theo dõi định lượng sâu rầy có hại và thiên địch có lợi theo từng giờ. “Vấn đề nhân rộng không khó, mà tùy vào quyết tâm của các thành tố trong chuỗi giá trị”, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, cho biết.

Đây là các ví dụ điển hình ứng dụng kỹ thuật số trong nông nghiệp mà Việt Nam đang theo đuổi. Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng phê duyệt nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỉ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Việc ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh, minh bạch, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đại dịch COVID-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông sản. Trong bối cảnh khó khăn, chuyển đổi số trong nông nghiệp càng trở nên quan trọng. Dù gặp nhiều trở ngại nhưng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đạt con số kỷ lục khoảng 41,2 tỉ USD.

Ảnh: Thiên Ân
Ảnh: Thiên Ân

“Đây là kết quả đáng mừng, nhưng sắp tới, nông nghiệp phải chuyển đổi số, sản xuất trên vùng nguyên liệu lớn để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cao”, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, chia sẻ.

 

Nhiều năm qua, ứng dụng chuyển đổi số đã mang lại kết quả tích cực cho doanh nghiệp và nông dân. Chẳng hạn, drone phun thuốc và phân bón là một trong các dịch vụ sử dụng công nghệ hiện đại được Lộc Trời triển khai trên nhiều cánh đồng ở Long An, Sóc Trăng. Drone đạt độ chính xác cao trong xử lý nên có thể dập dịch hại theo cụm và ngăn chặn bùng phát, tiết kiệm chi phí nhân lực, chi phí vận hành cũng như tiết kiệm 30-60% lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hay Sóc Trăng gần đây áp dụng nền tảng truy xuất nguồn gốc hàng hóa akachain trong quản lý thủy sản và kiểm soát chất lượng gạo ST25, một đặc sản thế mạnh khác của tỉnh Sóc Trăng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá, năm 2020 ở lĩnh vực nông nghiệp, khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại, mang đến cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như Lộc Trời. Tuy nhiên, kèm theo đó là những rào cản về kỹ thuật mới tại nhiều thị trường khó tính được dựng lên, đòi hỏi ngành nông nghiệp Việt Nam phải có những cuộc cách mạng để tạo ra đột phá về chất lượng cũng như năng suất, trong đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.

“Giải được bài toán này, cơ hội mở ra đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ rất đồ sộ”, ông Hoàng Văn Tú, đại diện Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Việt Nam, nhận định.

Tín hiệu đáng mừng là Việt Nam chứng kiến làm sóng doanh nghiệp đầu tư vào nông sản. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, có 68 dự án quy mô rất lớn vào chế biến nông sản với giá trị 2,56 tỉ USD trong 3 năm gần đây. 

Ông Nguyễn Trường Hiệp, Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số Tập đoàn FPT, nhận định Việt Nam cũng hướng đến nông nghiệp công nghệ cao. Thực tế, ngành nông nghiệp đang dần chuyển đổi số, thể hiện qua việc ứng dụng công nghệ tưới tiêu tự động hay sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) trong chăn nuôi bò. Mối quan tâm về truy xuất nguồn gốc, tăng thông tin minh bạch, tăng giá trị sản phẩm cũng đã hình thành.

 

“Chúng ta hướng tới nông nghiệp chính xác. Để phát triển công nghệ nông nghiệp, không thể thiếu sự thúc đẩy từ chính phủ, công ty công nghệ, tổ chức tài chính, người tiêu dùng có thói quen sử dụng sản phẩm chất lượng...”, ông Hiệp cho biết.

Ông Nadav Eshcar, Đại sứ Israel tại Việt Nam, cũng chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy ứng dụng khoa học trong nông nghiệp của nước này khi cho biết: “Các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn chiếm 46% trong lĩnh vực nông nghiệp. Hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao Israel là các thành tố gắn chặt với nhau gồm học viện nghiên cứu, sản xuất công nghiệp, nông dân, nhà đầu tư, chính phủ”.