Dragon Capital quan tâm gì ngoài điện?
Sau thương vụ đầu tư vào Công ty Cơ Điện lạnh REE vào những năm 1990, có vẻ Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital đang nỗ lực quay trở lại lĩnh vực thiết yếu điện lực của Việt Nam thông qua một loạt thương vụ đầu tư vào các công ty năng lượng trong thời gian qua. Tiêu biểu như Dragon Capital đang sở hữu gần 4% cổ phần của Nhiệt điện Nhơn Trạch 2. Một quỹ khác chuyên đầu tư vào năng lượng của Dragon Capital là Mekong Brahmaputra Clean Development Fund cũng đã thâu tóm 66,1% Công ty Thủy điện Sông Ông.
Mới đây, Dragon Capital đã vượt qua nhiều tên tuổi khác để trở thành cổ đông chiến lược của Công ty Xây lắp Điện 1 (PCC1) thông qua việc mua 11,48 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ (tương đương tỉ lệ sở hữu hơn 15% cổ phần). Tổng giá trị của thương vụ đầu tư vào khoảng 400 tỉ đồng. Vì sao Dragon Capital lại đặt cược vào một doanh nghiệp mà tên tuổi vẫn còn chưa được nhiều người biết đến?
Ra đời vào năm 1963, PCC1 là một trong những doanh nghiệp hoạt động lâu năm nhất trong lĩnh vực xây dựng truyền tải điện quốc gia, có năng lực làm tổng thầu thiết kế và xây dựng (EPC) các công trình điện và trạm biến áp với quy mô lên đến 500 kV. Các công trình nổi tiếng mà PCC1 đã tham gia có thể kể đến dự án 500 kV Bắc Nam, dự án 500 kV Sơn La - Hòa Bình, đường dây tải điện 500 kV Sơn La - Lai Châu hay dự án 110 kV Yên Phong 3... Đặc biệt, PCC1 là doanh nghiệp duy nhất cho đến nay tại Việt Nam sử dụng công nghệ khinh khí cầu trong quá trình kéo dây cáp điện, giúp tiết giảm chi phí thi công, nhất là khi đối mặt với địa hình đồi núi, sông ngòi phức tạp.
PCC1 còn cải thiện chuỗi giá trị kinh doanh theo ngành dọc bằng cách lấn sân vào lĩnh vực chế tạo kết cấu thép mạ kẽm nhúng nóng, cột điện phục vụ cho các công trình truyền tải điện. Đây là công ty duy nhất trong ngành điện tính đến thời điểm này sở hữu năng lực thiết kế, chế tạo cột thép liên kết thanh 750 kV và các cột điện đơn 110 kV, 220 kV. Với tổng công suất trên 50.000 tấn sản phẩm mỗi năm, hai nhà máy sản xuất thép của PCC1 không những đáp ứng được nhu cầu trong nước mà còn xuất sang các quốc gia như Nhật, Hàn Quốc, Chile, Lào, Pakistan và Ấn Độ.
Để phục vụ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất thép của mình, PCC1 đã nắm giữ 24,8% cổ phần trong Khu Liên hợp gang thép Cao Bằng có công suất 220.000 tấn phôi thép/năm. Theo kế hoạch, trong thời gian tới PCC1 sẽ tiếp tục đầu tư vào Công ty Khoáng sản Tấn Phát để tiếp tục chủ động kiểm soát được nguồn nguyên liệu đầu vào.
Ngoài lĩnh vực xây dựng và sản xuất, chuỗi kinh doanh ngành điện của PCC1 còn khép kín hơn với việc là chủ đầu tư của chuỗi thủy điện. Các dự án thủy điện của Công ty tập trung tại các tỉnh Điện Biên, Cao Bằng với tổng công suất gần 200 MW có giá trị đầu tư gần 7.000 tỉ đồng. Doanh thu năm 2015 của PCC1 vào khoảng 3.100 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ là hơn 245 tỉ đồng. Trong 3 năm gần đây nhất, EPS (thu nhập mỗi cổ phiếu) của Công ty luôn hơn 9.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí có năm lên đến hơn 21.000 đồng/cổ phiếu như vào năm 2014 nhờ ghi nhận doanh thu đột biến. Như vậy, nếu so với một doanh nghiệp niêm yết trên sàn trong cùng lĩnh vực xây dựng công trình điện là Tổng Công ty Xây dựng Điện Việt Nam (VNE), doanh thu và lợi nhuận của PCC1 đều gấp 2-3 lần trong khi quy mô vốn điều lệ lại nhỏ hơn.
Lễ ra mắt của Dragon Capital tại thị trường chứng khoán London. Ảnh: twitter.com |
Đối với Dragon Capital, thông qua thương vụ đầu tư vào một doanh nghiệp đầu ngành như PCC1, kết hợp với các thương vụ đầu tư trước đó như Nhiệt điện Nhơn Trạch 2, Thủy điện Sông Ông... có thể thấy mục tiêu của quỹ này: tận dụng xu thế tăng trưởng ổn định của ngành năng lượng Việt Nam, đi cùng với quá trình phục hồi của nền kinh tế trong các năm tới. Thực tế, điện vẫn là một ngành kinh doanh hấp dẫn. Theo Công ty Chứng khoán BIDV, sản lượng điện sản xuất và tiêu thụ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng dài hạn ở mức hơn 6%/năm, kèm theo nhu cầu xây dựng, nâng cấp hệ thống truyền tải điện sẽ vẫn được duy trì ổn định.
Theo lộ trình tự do hóa ngành điện, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh của Việt Nam sẽ được vận hành vào năm 2020. Lợi nhuận của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành được dự báo sẽ cải thiện đáng kể khi giá bán điện phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố cung cầu trên thị trường, thay vì chịu sự kiểm soát chặt chẽ từ Nhà nước như hiện nay.
Bởi thế, không chỉ có Dragon Capital quan tâm nhiều đến lĩnh vực điện năng Việt Nam mà các nhà đầu tư khác cũng để mắt tới. Chẳng hạn, REE đang sở hữu một loạt các doanh nghiệp thủy điện và nhiệt điện trên khắp cả nước. Quỹ Năng lượng sạch Armstrong (Singapore) và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) đầu tư chiến lược vào Điện Gia Lai (thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công chuyên đầu tư thủy điện), hay mới đây, hai quỹ đầu tư nước ngoài là UOBVM (thuộc Ngân hàng UOB của Singapore) và Tập đoàn Orix của Nhật đã đầu tư 50 triệu USD vào Bitexco Power.
PCC1 có thể còn có một tài sản khác rất hợp với định hướng đầu tư của Dragon Capital và khiến cho quỹ này quyết định kết duyên chính là bất động sản. Giống như nhiều doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa khác, PCC1 cũng sở hữu quỹ đất có vị trí khá tốt để kinh doanh nhà ở và thương mại. Hiện PCC1 đang khai thác khu căn hộ và biệt thự Nàng Hương, dự án căn hộ Mỹ Đình Plaza cũng như đang triển khai dự án PCC1 Complex Hà Đông (Hà Nội) với quy mô 540 căn hộ có doanh thu dự kiến khoảng 470 tỉ đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2014, mảng bất động sản đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu của PCC1 với giá trị 708 tỉ đồng. Tỉ suất lợi nhuận gộp của mảng bất động sản lên tới 39%, cao hơn khá nhiều so với con số 16% của mảng xây lắp và sản xuất công nghiệp điện.
Vì vậy, nếu có chiến lược kinh doanh bất động sản đúng đắn và tận dụng được cơ hội từ thị trường đang phục hồi thì lợi nhuận có được từ mảng kinh doanh bất động sản của PCC1 sẽ tiếp tục khả quan. Đó có lẽ cũng là một trong những đích nhắm chiến lược của Dragon Capital đối với thương vụ mua cổ phần PCC1. Nhưng tất nhiên, nguồn tiền từ Dragon Capital cũng sẽ giúp PCC1 có thêm nguồn lực để triển khai thêm các dự án đầu tư lớn từ đây đến năm 2020, như đầu tư các nhà máy thủy điện, bất động sản và đầu tư phát triển sản xuất vật tư thiết bị ngành điện có giá trị hàng ngàn tỉ đồng.
Nguyễn Sơn