Thứ Năm | 11/10/2012 06:30

Dragon Capital: Ảnh hưởng bởi cổ phiếu ngân hàng, tài sản VEIL giảm mạnh hơn VN-Index

Tháng 9, giá trị tài sản ròng của VEIL - quỹ lớn nhất thuộc Dragon Capital giảm 3,1%, chủ yếu do nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm tới hơn 15%.
Tại 28/9, tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của 4 quỹ (VEIL, VGF, VDeF, VPF) đạt 691,76 triệu USD, giảm 9,42 triệu USD so với cuối tháng 8 (giảm 1,3%). Đây là tháng thứ 5 liên tiếp tổng NAV của 4 quỹ do Dragon Capital quản lý suy giảm.

Trong đó, tổng NAV hai quỹ đầu tư cổ phiếu là VEIL và VGF đạt 588,31 tính tại ngày 28/9, giảm 7,6 triệu USD so với cuối tháng 8 (giảm 1,3%). Chỉ số VN-Index trong kỳ giảm 0,9%.

Việc tổng NAV hai quỹ trên giảm mạnh hơn VN-Index là do sự suy giảm mạnh của VEIL (quỹ có giá trị tài sản ròng lớn nhất do Dragon Capital quản lý), còn giá trị tài sản của VGF vẫn tăng trong tháng.

Mới đây, Đại hội cổ đông thường niên VEIL và VGF đã thông qua tiếp tục duy trì hoạt động hai quỹ này và gia hạn thời gian giữa hai lần biểu quyết về hoạt động của quỹ từ 2 năm lên 3 năm với VGF và từ 2 năm lên 5 năm cho VEIL.

Tại 31/8, NAV của VEIL đạt 385,68 triệu USD, giảm 3,1% so với cuối tháng 8, trong khi VN-Index giảm 0,9%. Một trong những yếu tố chủ yếu khiến NAV của quỹ giảm mạnh là nhóm cổ phiếu ngân hàng, chiếm tỷ trọng lớn thứ 4 (14,3% NAV) trong VEIL đã mất 15,1%.

Cụ thể, trong kỳ cổ phiếu của ngân hàng Á Châu ( ACB) giảm 17,4%, cổ phiếu ngân hàng Quân đội ( MBB) và cổ phiếu ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank - VCB) giảm 3,9% và 1,1%.

Lĩnh vực đầu tư tài chính đa dạng cũng mất 2,8% trong kỳ. Sự tăng giá nhẹ của cổ phiếu Tập đoàn Masan ( MSN) không đủ bù đắp sự giảm giá tới 13,5% của cổ phiếu công ty chứng khoán Sài Gòn ( SSI).

Lĩnh vực bất động sản trong kỳ cũng giảm 14,7%, chủ yếu do cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai ( HAG) giảm 23,8%. Cổ phiếu FPT, lĩnh vực phần mềm cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự thay đổi Tổng giám đốc.

Nhóm vật liệu xây dựng trong tháng giảm 3,8% do cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát ( HPG) giảm 10,9%.

Trái ngược với sự suy giảm của các lĩnh vực trên, cổ phiếu của công ty Olympus Pacific (Úc), thuộc lĩnh vực khai thác vàng, tăng vọt 30,2%. VNM, cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của VEIL, tăng 11,1% trong kỳ.

Cơ cấu danh mục tài sản của VEIL

Tại ngày 28/9, giá trị cổ phiếu niêm yết của VEIL đạt hơn 363,3 triệu USD, giảm gần 11 triệu USD so với cuối tháng 8. Tiền mặt của quỹ cũng giảm gần 1,8 triệu USD trong kỳ.


Tỷ trọng cổ phiếu nhóm ngành đầu tư tài chính đa ngành, đồ uống và chế biến thực phẩm tại ngày 28/9 tăng so với tại ngày 31/8. Trong khi đó, tỷ trọng nhóm ngân hàng và bất động sản giảm.

Cơ cấu danh mục tài sản của VGF


Giá trị cổ phiếu niêm yết và tiền mặt của VGF tại ngày 28/9 lần lượt tăng 2,76 triệu USD và 2,14 triệu USD so với cuối tháng 8.


Cũng giống như VEIL, tỷ trọng nhóm cổ phiếu ngành thực phẩm và đồ uống của VGF tăng mạnh trong tháng (chủ yếu nhờ VNM), trong khi nhóm ngân hàng và bất động sản giảm.

NAV của VGF trong kỳ tăng 2,5% trong khi VN-Index giảm 0,9%. Đóng góp cho mức tăng này của VGF là sự tăng giá của VNM (tăng 11,1%), Olympus Pacific (tăng 34,5%), MSN (tăng 0,2%).

Về phía giảm, cổ phiếu HAG giảm 23,8% trong kỳ do giá đường và cao su tiếp tục giảm và lĩnh vực bất động sản vẫn còn sa lầy trong khó khăn.

Cổ phiếu của REE FPT cũng lần lượt giảm 6,6% và 5,8% trong tháng.

Tỷ lệ chiết khấu của VEIL và VGF tại 28/9 lần lượt là 16,2% và 17%, tăng so với mức chiết khẩu 14,4% và 14,6% cuối tháng 8.

Giá trị tài sản ròng của quỹ đầu tư trái phiếu (VDeF) hầu như không biến động trong tháng 9, trong khi NAV quỹ đầu tư bất động sản (VPF) lại giảm 2,6%.

Nguồn Khampha/Dragon Capital


Sự kiện