Đốt trấu ra vàng
"Rẻ như trấu”, “nhiều như trấu”, “nghèo khạc ra trấu”… Từ lâu, dân gian xem trấu cũng như rơm rạ là những thứ bỏ đi. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, trấu đã “lên đời” khi mở ra nhiều cơ hội vàng cho các nhà đầu tư, nhà nghiên cứu và tổ chức môi trường.
Cách đây vài chục năm, trấu được dùng trong nấu nướng sinh hoạt, làm chất đốt trong các lò gạch thủ công nhưng lượng tiêu thụ không là bao. Các nhà máy xay xát phải tìm cách chở đi đổ bỏ. Trấu lúc này bị “hắt hủi” như một chất thải tiềm tàng gây ô nhiễm. Thế nhưng, giờ đây, đến Trà Vinh, một số cơ sở gốm sứ đang lao đao thậm chí có nguy cơ đóng cửa vì giá trấu lên cao. Giá bán trung bình trong năm 2015 khoảng 600.000 đồng/tấn, còn trong những vụ lúa sản lượng thấp, giá trấu từng lên đến 1 triệu đồng/tấn. “Đốt trấu ra vàng” là cụm từ thường được nghe gần đây khi trấu được sử dụng làm chất đốt lò hơi công nghiệp, phân bón, sản xuất củi trấu, viên trấu để xuất khẩu…
Năm 2015, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năng suất lúa gạo cả nước ước đạt gần 50 triệu tấn, tỉ lệ trấu khoảng 20% tức gần 10 triệu tấn.
Trấu có nhiều công dụng, nhưng giải pháp đầu tư phù hợp với thị trường Việt Nam thì không phải nhà đầu tư nào cũng tỏ tường. Cách đây vài ba năm, một nhà đầu tư từng gây xôn xao khi tuyên bố xây dựng chuỗi công trình 20 nhà máy nhiệt điện đốt bằng vỏ trấu trên cả nước. Sau vài năm triển khai, đến nay vẫn chưa nhà máy nào đi vào hoạt động.
Theo ông Nguyễn Anh Thi, chuyên gia Chương trình Tư vấn năng lượng và sử dụng tài nguyên hiệu quả của World Bank, xét thực tiễn ở Việt Nam, đầu tư vào trấu thông qua những mô hình quy mô nhỏ sẽ đem đến hiệu quả thiết thực hơn so với việc xây dựng những nhà máy triệu đô. Bởi lẽ, dù có sản lượng dồi dào, cũng sẽ khó mà thu gom đủ lượng trấu nguyên liệu trên cả nước trong thời gian dài để sản xuất điện.
Mặt khác, giá mua của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với thủy điện hiện nay là 4cent, nhiệt điện là 6cent và điện gió là 7,8cent. Rõ ràng, tương lai điện trấu cũng khó thoát khỏi cảnh thu không đủ bù chi khi giá sản xuất 1kWh cần đến 9cent.
Dù vậy, không thể phủ nhận tiềm năng lớn từ trấu. Thị trường trấu thế giới ước đạt 2,42 tỉ USD vào năm 2020 với tốc độ tăng trưởng hằng năm 5,15% kể từ năm 2015, theo một nghiên cứu. Trong đó, các nước châu Á - Thái Bình Dương là khu vực tăng trưởng mạnh nhất. Nghiên cứu này cũng chỉ ra mũi nhọn của tốc độ phát triển này là nhờ nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường, trong đó có silica (dioxit silic), sản phẩm thu được sau khi đốt trấu bằng công nghệ cao, có giá trị lớn trong nhiều ngành sản xuất công nghiệp.
Trong những vụ lúa sản lượng thấp, giá trấu từng lên đến 1 triệu đồng/tấn. Ảnh: Sơn Phạm |
Trấu thì không mới, nhưng silica từ trấu là công nghệ mới ít được biết đến. Sau khi đốt trấu, silica tồn tại ở 2 dạng: silica tinh thể có được khi đốt trấu truyền thống, thường không có giá trị; silica vô định hình (thể tinh khiết, có lượng silica tinh thể nhỏ hơn 1%) thu được khi đốt trấu bằng các công nghệ tiên tiến và đây mới là công cụ biến trấu thành vàng.
Ông Oleg Efisco, Giám đốc Điều hành Công ty RHT của Nga, đơn vị sở hữu công nghệ sản xuất silica vô định hình tỉ lệ cao, cho biết trên thị trường có khoảng 300 loại silica. Silica là nguyên phụ liệu dùng trong luyện kim, sản xuất sơn, gốm sứ, bê tông, lốp xe, thủy tinh… Mỗi mục đích sử dụng yêu cầu loại silica vô định hình khác nhau; giá bán từ đó cũng khác nhau.
Lấy ví dụ, silica dùng trong luyện kim có giá 500 USD/tấn, silica dùng làm lốp xe khoảng 2.000 USD/tấn, hoặc silica dùng sản xuất pin mặt trời có giá 15.000 USD/tấn. Mười triệu tấn trấu của Việt Nam sản xuất được khoảng 2 triệu tấn silica. Với giá bán silica tối thiểu 500 USD/tấn, Việt Nam đang bỏ qua mỏ vàng trị giá gần 1 tỉ USD tiềm tàng trong những vỏ trấu.
Một trong những công ty tiên phong sử dụng silica vào sản xuất ở Việt Nam là Sơn KOVA. Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Tập đoàn Sơn KOVA, tro silica từ trấu là nguồn nguyên liệu cực kỳ hiệu quả có tính chống cháy và chống mài mòn, để sản xuất 4 dòng sản phẩm tạo nên tiếng vang của KOVA là sơn tự làm sạch, sơn diệt khuẩn, sơn chống cháy và sơn chống đạn được tiêu thụ mạnh ở những thị trường xuất khẩu.
Thế nhưng, quy trình để tìm được nguyên liệu tro silica của Sơn KOVA không hề dễ dàng. Bà Hòe từng nhập tro silica từ 10 nước như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ… để tìm nguyên liệu silica dùng trong công nghệ nano sản xuất sơn, nhưng không thành vì loại tro này chỉ có silica tinh thể, chứ không chứa silica vô định hình.
Bà Hòe cũng tìm đến một trường đại học Malaysia khi nghe tin Trường điều chế được nguyên liệu mong muốn. Một lần nữa, bà lại thất vọng vì Trường chỉ có vài chục gram, trong khi nhu cầu của Sơn KOVA lên đến hàng tấn. Dù bà ngỏ ý đầu tư vốn để Trường nghiên cứu và sản xuất, nhưng họ không nhận lời vì độ khó cao. Đến nay, Sơn KOVA phải tự đầu tư điều chế trấu thành silica để dùng trong sản xuất, nhưng vẫn khó đáp ứng được nhu cầu sản xuất ngày càng tăng.
Ứng dụng của silica cũng thể hiện rõ trong công nghiệp luyện kim để cải thiện chất lượng phôi đúc nhờ khả năng cách nhiệt, thay thế cho muội than carbon để làm chất độn trong sản xuất cao su….
Nhu cầu tiêu thụ đã có, vậy cánh cửa nào cho các nhà đầu tư? Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch Công ty BSB, doanh nghiệp xúc tiến đầu tư công nghệ xử lý trấu tiên tiến, có 2 mô hình phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.
Dạng thứ nhất là đặt nhà máy sản xuất điện trấu gần nhà máy xay xát lúa theo mô hình khép kín. Trấu từ nhà máy xay xát được làm nguyên liệu đầu vào để xử lý tạo thành năng lượng điện và silica. Năng lượng này quay lại đáp ứng được 50-70% nhu cầu vận hành của nhà máy xay xát lúa. Còn silica thành phẩm được đóng gói để bán cho các ngành sản xuất có nhu cầu. Theo tính toán của BSB, một nhà máy công suất phát điện 1MW có năng lực xử lý 18 tấn trấu/ngày sẽ tạo ra được 2,7 tấn silica/ngày. Giá mua vỏ trấu đầu vào là 25 USD/tấn, còn giá bán tro silica thành phẩm là 450 USD/tấn. Dự tính, giá trị hiện tại thuần (NPV) của dự án là 377.092 USD và tỉ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) là 24,89%.
Mô hình thứ 2 dựa trên nhu cầu nhiệt để vận hành lò hơi ở các khu công nghiệp. Khí gas chuyển đổi cùng nhiệt lượng tạo ra từ trấu được đưa đến các nhà máy, còn silica thành phẩm cũng được đóng gói để bán. Dự tính 1 hệ thống xử lý 36 tấn trấu/ngày tạo ra lượng hơi đầu ra 120 tấn/ngày và sản lượng silica thu được đạt 5,4 tấn. NPV của dự án ước tính đạt 311.705 USD và IRR là 16,5%.
Ngoài công nghệ sản xuất silica, nhiều nhà đầu tư đã tỏ rõ sự quan tâm đến nguồn tài nguyên trấu Việt Nam. Gần đây là Công ty JIC của Nhật đầu tư nhà máy tại An Giang để sản xuất chất bảo ôn từ nguồn nguyên liệu này.
Ngoài ra, theo ông Thi, mô hình sử dụng công nghệ carbon hóa và nhiệt phân để sản xuất than sinh học biochar, còn gọi là vàng đen trong nông nghiệp, với giá bán 110 USD/tấn cũng là bước tiếp cận tiềm năng với nguồn nguyên liệu trấu mà các nhà máy xay xát có công đoạn sấy có thể đầu tư.
Hoàng Anh