Dòng vốn ngoại quan tâm nhiều hơn đến các thương vụ M&A tại Việt Nam. Ảnh: WB.
Dòng vốn ngoại quan tâm nhiều hơn đến các thương vụ M&A tại Việt Nam
Trong một báo cáo được công bố mới đây, World Bank (WB) nhận định, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là nguồn vốn quan trọng nhất của nước ngoài đổ vào nền kinh tế Việt Nam, ước lên đến khoảng 29 tỷ USD (tổng số vốn đăng ký) trong 10 tháng đầu năm 2019.
Điều kiện thuận lợi để thu hút FDI
WB nhận định, với chi phí lao động thuộc dạng rẻ nhất trên thế giới, chính sách mở cửa thương mại mạnh mẽ cũng như lợi thế về địa lý, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến quan trọng cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thập kỷ qua.
Đến cuối tháng 10/2019, Việt Nam đã tiếp nhận đầu tư của trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng số cam kết vốn FDI cộng dồn lên đến khoảng 358 tỷ USD trong các ngành chế tạo, chế biến, bất động sản, điện và khí đốt.
Vốn FDI theo từng lĩnh vực. Nguồn: WB. |
Hiện nay, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đóng góp được khoảng 20% GDP của Việt Nam, 1/4 số thu từ thuế, tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng đóng góp khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia, trong đó hơn nửa là từ các mặt hàng điện tử và khoảng gần một phần tư của riêng một doanh nghiệp (Công ty Samsung Việt Nam).
Nguồn: WB. |
Vốn đầu FDI tập trung ở các ngành chế tạo chế biến đòi hỏi kỹ năng thấp, được nhìn nhận là có kết nối yếu với các doanh nghiệp trong nước. Theo đánh giá của WB, đây là điều gây quan ngại cho các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam.
WB lý giải thêm, mặc dù các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp nhiều cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, nhưng họ cũng là các doanh nghiệp nhập khẩu lớn. Theo ước tính bình quân, cứ mỗi 1 USD xuất khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, thì có khoảng 0,40 USD được dùng để mua vật tư đầu vào từ nước ngoài. Tỷ lệ như vậy là tương đối cao theo các chuẩn mực quốc tế.
Một quan ngại nữa là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tập trung chủ yếu ở các ngành chế tạo, chế biến xuất khẩu, đòi hỏi kỹ năng thấp, không có nhiều tiềm năng tăng lương thực tế cho lực lượng lao động trong nước.
Xu hướng chuyển dịch của dòng vốn FDI
Theo số liệu thống kê của WB về xu hướng dòng vốn FDI, cho thấy có sự chuyển dịch từ đầu tư vào các cơ sở sản xuất kinh doanh mới sang đầu tư cho mua lại & sáp nhập (M&A) từ năm 2017.
Một mặt, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các cơ sở sản xuất kinh doanh mới giảm mạnh ở mức 15% trong năm 2018 và giảm thêm 22% trong 09 tháng đầu năm 2019. Mặt khác, giá trị góp vốn và mua cổ phần tại các doanh nghiệp trong nước của nhà đầu tư nước ngoài tăng từ mức khiêm tốn 0,28 tỷ USD mỗi tháng năm 2016 lên 1,2 tỷ USD mỗi tháng trong 09 tháng đầu năm 2019.
Nguồn: WB. |
Mặc dù còn quá sớm để đưa ra kết luận, nhưng sự dịch chuyển này có thể phản ánh hai xu hướng phát sinh.
Suy giảm về các dự án đầu tư vào cơ sở sản xuất kinh doanh mới có thể liên quan đến môi trường toàn cầu đang xấu đi, vì vậy các nhà đầu tư quốc tế trở nên thận trọng hơn, kể cả với Việt Nam. WB cho rằng tốc độ giảm đầu tư vào cơ sở sản xuất kinh doanh mới, nếu còn tiếp diễn, có thể dẫn đến giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai, vì động cơ chính từ trước đến nay của nhà đầu tư vẫn là tận dụng lợi thế chi phí lao động thấp, sau đó chuyển sản phẩm ra các thị trường toàn cầu.
Tăng đầu tư cho thương vụ M&A có thể do các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm nhiều hơn đến người tiêu dùng trong nước với nhu cầu ngày càng tăng trong những năm qua. Sự quan tâm này được khuyến khích bởi chương trình cổ phần hóa và do thủ tục thuận lợi hơn so với xin cấp phép đầu tư vào cơ sở sản xuất kinh doanh mới.
Đầu tư các thương vụ M&A dự kiến có thể đem lại tác động tích cực nếu chủ sở hữu mới đem công nghệ mới đến cho các doanh nghiệp hiện tại. Nhìn vào bằng chứng, nghiên cứu cho thấy đầu tư nước ngoài vào M&A có xu hướng dẫn đến tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ở doanh nghiệp bị mua lại, trong khi đầu tư trong nước vào M&A dẫn đến giảm chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, đầu tư để mua lại có thể chỉ đơn thuần nhằm chuyển tài sản từ tay chủ sở hữu trong nước sang chủ sở hữu nước ngoài.