Dòng vốn FII “gặp khó” chỉ vì... "không hiểu tiếng Việt"
Đây là ý kiến do Nhóm công tác Thị trường vốn cung cấp tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014 (VBF 2014), ngày 6/5.
Nhà đầu tư nước ngoài “phải học” tiếng Việt?
Theo ông Kiên Nguyễn - đại điện Nhóm công tác Thị trường vốn, khi đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài cần biết tất cả các thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư của mình trong thị trường. Tuy nhiên, vấn đề tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài đang cần giải quyết ở nhiều khía cạnh, bao gồm việc công bố thông tin, khả năng tiếp cận các thông tin đó và chi phí cho việc tiếp cận thông tin.
Cụ thể, khi tìm hiểu về thị trường, nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn khi tìm đến các thông tin và kiến thức về thị trường, dù những thông tin này hiện đang được công bố hoàn toàn miễn phí trên các website trong nước.
Về phía nhà quản lý, mặc dù các văn bản pháp luật được cung cấp đầy đủ, chi tiết và sắp xếp có hệ thống trên website, tuy nhiên hầu hết chỉ có bản Tiếng Việt. Những tin tức mới về pháp luật cũng được công bố nhanh chóng trên các website này, song các bản tin bằng tiếng Anh phải mất vài ngày sau mới được đăng tải.
Đối với doanh nghiệp, các thông tin về thực hiện quyền, họp đại hội cổ đông và các tài liệu họp do công ty cổ phần đăng tải trên website của họ cũng chỉ có bản tiếng Việt. Một số trường hợp, thư mời họp và mẫu phiếu biểu quyết bằng tiếng Việt còn được gửi đến địa chỉ ở nước ngoài cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Do những rào cản ngôn ngữ như đã nêu trên, nhà đầu tư nước ngoài không thể có đầy đủ thông tin để chuẩn bị cho hoạt động đầu tư của mình tại Việt Nam.
Ông Kiên Nguyễn nhấn mạnh, “thực tế này thậm chí còn dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài hiểu không đầy đủ hoặc hiểu nhầm chính sách của chính phủ Việt Nam đối với đầu tư nước ngoài. Mặt khác, những vấn đề thực tiễn này đang được nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận như một sự phân biệt đối xử, bởi họ không thể tiếp cận thông tin kịp thời và đầy đủ như những nhà đầu tư trong nước.”
Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã công bố một kế hoạch cụ thể về việc công bố bản dịch tiếng Anh của tất cả các văn bản pháp luật mình trên website, dự kiến hoàn thành trong năm 2014.
Song ông Kiên Nguyễn cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài còn cần sử dụng, tham khảo các văn bản pháp luật do các cơ quan quản lý khác ban hành (như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...) và các bản tin, thông báo, tài liệu… cung cấp bởi công ty cổ phần. Do đó, sự phối hợp hành động của các bộ, ban, ngành liên quan và các thành viên thị trường là rất cần thiết để giải quyết vấn đề này.
Giảm sở hữu tại xuống 35%
Cũng tại diễn đàn, Nhóm công tác Thị trường vốn đưa ra đề xuất đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước ở các ngành không nhạy cảm đối với an ninh quốc gia.
Ông Kiên Nguyễn phân tích, ngân sách nhà nước có hạn trong khi nhu cầu chi tiêu, đầu tư công vẫn còn lớn. Nguồn thu từ thuế có giảm do kinh tế khó khăn và các lộ trình giảm thuế nhập khẩu khi tham gia WTO. Gần đây nhất quý 4/2013, Chính phủ đã đề xuất tăng bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3% GDP.
Tính tới thời điểm 23/5/2014, tổng giá trị vốn hóa của phần vốn nhà nước tại 12 công ty trong nhóm 20 công ty lớn nhất niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh là 18,5 tỷ USD, chiếm 41% giá trị của cả sàn.
Theo ông Kiên Nguyễn, riêng phần sở hữu trên 50% của nhóm 12 công ty này có giá trị 6,3 tỷ USD. Do đó, việc bán một phần cổ phần của các doanh nghiệp này sẽ dễ dàng bù đắp được thâm hụt ngân sách của nhà nước trong giai đoạn khó khăn này, thay vì giảm lương tối thiểu hay tận thu những nguồn khác.
Trên thực tế, nhiều công ty hiện do nhà nước nắm giữ tỷ lệ lớn không hoạt động hoặc kinh doanh trong các lĩnh vực được xác định là “nhạy cảm” hoặc “hạn chế,” ví dụ như ngành hàng tiêu dùng, sản xuất phân bón…
Các nhà đầu tư cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước được hưởng nhiều ưu đãi hơn về chính sách và vốn vay so với các doanh nghiệp khối tư nhân. Điều này dẫn đến sân chơi không bình đẳng giữa hai khối doanh nghiệp, hạn chế khả năng phát triển của khối tư nhân trong khi khối nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả và không có sản phẩm, dịch vụ tốt, cũng như làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam khi gia nhập thị trường khu vực cũng như quốc tế.
Theo đó, Nhóm công tác Thị trường vốn kiến nghị, Việt Nam cần tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước bằng việc bán cổ phần Nhà nước trong các công ty không thuộc diện ”nhạy cảm” và “hạn chế”.
“Chính phủ cần đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các công ty 100% vốn Nhà nước đồng thời rà soát để giảm bớt danh sách ngành nhạy cảm. Cụ thể, trước mắt có thể giảm bớt sở hữu Nhà nước tại các công ty niêm yết khoảng 35%, thời gian sau có thể giảm xuống thêm,” ông Kiên nói.
Nguồn Vietnamplus