Dòng vốn chảy mạnh vào trái phiếu
Mạnh tay mua trái phiếu
Báo cáo tài chính quý III-2014 của ACB thể hiện chứng khoán nợ là trái phiếu chính phủ cuối quý 1.571 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Chứng khoán (trái phiếu) nợ sẵn sàng để bán cũng lên tới 14.879 tỷ đồng, tăng gần 120% so với đầu năm. Như vậy, ACB đã đổ gần 10.000 tỷ đồng vào trái phiếu nhằm bù đắp cho tín dụng chỉ tăng 5,6% trong 9 tháng năm 2014.
Một NH khác dù quy mô không thực sự lớn với tổng tài sản gần 150.000 tỷ đồng như NH Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng có hơn 14.000 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu chính phủ, tăng gần 10.000 tỷ đồng so với đầu năm và bằng khoảng 15% tín dụng cho vay khách hàng.
Trong khi đó tại Sacombank số tiền dùng đầu tư trái phiếu chính phủ đến cuối quý III lên đến gần 18.000 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Đặc biệt Sacombank đầu tư vào trái phiếu NHNN phát hành lên đến hơn 10.000 tỷ đồng.
Đối với nhóm NHTM nhà nước như BIDV, Vietcombank, VietinBank vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý III, nhưng tại báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2014 cũng cho thấy khoản mục đầu tư trái phiếu tăng khá mạnh.
Với Vietcombank, tính đến cuối quý II-2014 đã mua một lượng trái phiếu lên đến hơn 69.000 tỷ đồng, tăng hơn 22.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó riêng tín phiếu Kho bạc Nhà nước lên đến hơn 44.000 tỷ đồng, tăng 26.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Tương tự, danh mục đầu tư của BIDV vào cuối quý II-2014 cũng có gần 50.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với đầu năm. Còn với VietinBank đầu tư trái phiếu chính phủ lên tới hơn 74.000 tỷ đồng, tăng hơn 30.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Ngoài ra, VietinBank cũng đã mạnh tay chi hàng ngàn tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp tại các doanh nghiệp như CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII), Công ty Đầu tư địa ốc Thành phố (Cityland)…
Đặc biệt một số NH như NH Quân Đội (MBB), Techcombank có tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu rất cao so với tín dụng. Chẳng hạn, vào cuối quý II số tiền đầu tư vào trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh của MBB lên đến gần 50.000 tỷ đồng trong giá trị trái phiếu 94.000 tỷ đồng, bằng 64% tín dụng.
Còn tại Techcombank con số này lên đến hơn 16.0000 tỷ đồng, tăng 14.000 tỷ đồng so với đầu năm. Ngoài ra, NH này cũng có hơn hơn 20.000 tỷ đồng trái phiếu tổ chức kinh tế. Tỷ lệ đầu tư trái phiếu so với tín dụng của Techcombank lên đến hơn 80%.
Lãi trái phiếu thấp còn hơn để vốn ứ
Các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ gần đây đều có số lượng đăng ký rất lớn và lãi suất trúng thầu khá thấp, chỉ dao động quanh mức 5-7%/năm. Mức này thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay trên thị trường, thậm chí cả lãi suất huy động.
Trên thị trường thứ cấp lợi suất trái phiếu cũng được giao dịch ở mức thấp. Với lãi suất thấp như vậy nguồn lãi trái phiếu chỉ chiếm một tỷ lệ khá nhỏ so với đến từ hoạt động tín dụng. Chẳng hạn MBB và Techcombank có tỷ lệ đầu tư chứng khoán lần lượt 64% và 80%, nhưng lãi từ trái phiếu chỉ đóng góp lần lượt 39% và 38% so với tổng thu nhập từ lãi của NH.
Dù lãi suất thấp nhưng danh mục đầu tư trái phiếu của nhiều NH trong thời gian gần đây vẫn tăng mạnh. Thống kê trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy từ đầu năm đến nay một lượng trái phiếu trị giá hơn 200.000 tỷ đồng được đấu thầu thành công, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp cũng rất sôi động với giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên lên tới hơn 4.000 tỷ đồng trong những tháng gần đây.
Trong khi đó lợi suất giao dịch trái phiếu trên thị trường sơ cấp lại khá thấp, chỉ quanh mức 4-7% tùy theo từng kỳ hạn. Hiện nay, hầu hết NH đều tăng trưởng cho vay thấp hơn khá nhiều so với huy động. Chẳng hạn, tại Sacombank dù được đánh giá là hoạt động cho vay tích cực nhưng vẫn có sự chênh lệch lớn giữa huy động và cho vay, đến hết quý III-2014 lần lượt 19% so với 13%; tại NHTMCP Đại Chúng (PVcomBank) là 24% so với 6,8%, tại ABBank là 11% so với 1,4%...
Các chuyên gia cho rằng với việc bí đầu ra cho nguồn tiền thừa hiện nay dẫn đến ứ đọng vốn, nên các NH chấp nhận đầu tư mạnh vào trái phiếu chính phủ lẫn doanh nghiệp, dù lãi suất thấp hơn cả lãi suất huy động. Mặt khác, trong bối cảnh hầu hết NH đều sợ nợ xấu, hoạt động cho vay được thẩm định một cách thận trọng, kỹ lưỡng nên dù rất muốn cho vay và cũng được NHNN khuyến khích nhưng các NH vẫn dè dặt giải ngân vốn.
Nguồn Sài Gòn Đầu Tư