Thật bất ngờ khi Việt Nam đồng đang được định giá như một trong những đồng tiền tốt nhất trên thế giới. Ảnh: TL.

 
Thứ Năm | 19/08/2021 10:02

Đồng Việt Nam đang tăng giá mạnh

Theo chia sẻ của Chuyên gia tài chính Phạm Ngọc Trường, khi Việt Nam đồng đang được định giá như một trong những đồng tiền tốt nhất trên thế giới.

Trong bối cảnh làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19 đang tác động mạnh mẽ lên môi trường kinh tế - xã hội, thật bất ngờ khi Việt Nam đồng đang được định giá như một trong những đồng tiền tốt nhất trên thế giới.

Một trong những đồng tiền tốt nhất trên thế giới

Tỉ giá USD/VND trên thị trường Việt Nam liên ngân hàng giảm mạnh trong tuần qua, đóng cửa ngày 13/8/2021 ở mức 22.830 đồng đổi 1 USD. Tính từ đầu năm tỉ giá đã giảm 240 đồng/USD từ mức 23.070 ngày 31/12/2020, tương đương với việc VND mạnh lên 1,04% so với USD trong hơn 8 tháng của năm 2021.

Trên thị trường quốc tế, với việc FED phát tín hiệu có thể tăng lãi suất hai lần vào năm 2023 khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau chiến dịch tiêm vắc xin, tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm đáng kể về mức 5,4% (đỉnh 14,5% vào tháng 5.2020), sức mạnh của đồng USD đã quay trở lại một cách rõ rệt. Chỉ số U.S. dollar index (đo sức mạnh của đồng USD với một rổ các đồng tiền mạnh trên thế giới bao gồm Euro, Yên Nhật, Bảng Anh, Canada đô la, Krona Thụy Điển và Franc Thụy Sỹ) đã tăng từ mức 89,8 lên 92,52, tương đương với mức tăng 3,0%.

 

Việt Nam đồng tăng giá 1,04% so với đồng USD, đồng USD tăng giá 3,0% so với một giỏ các đồng tiền chính trên thế giới kể từ đầu năm. Điều này cho thấy, Việt Nam đồng đã tăng giá tương đối khoảng hơn 4,0% so với giỏ các đồng tiền mạnh trên thế giới kể từ đầu năm 2021.

Tại thị trường châu Á, các đồng tiền của các quốc gia có quan hệ thương mại gần gũi và được xếp vào giỏ tiền tệ xác định tỉ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng giảm giá khá mạnh so với USD, đáng chú ý có  đồng Thái, Won Hàn Quốc, Singapore đô la khi tỉ giá USD/THB đóng cửa ngày 13/8/2021 ở mức 33,33 (+11,32% so với đầu năm), USD/KRW (Hàn Quốc) 1161,37 (+7,09%), USD/SGD (Singapore) 1,3541 (+2,51%) mang ý nghĩa THB, KRW và SGD lần lượt yếu đi 11,32%, 7,09% và 2,51% so với USD kể từ đầu năm 2021.

 

Ở bình diện nội tại, lạm phát của Việt Nam đang được kiểm soát tốt khi chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam tháng 7/2021 được Tổng cục thống kê công bố chỉ tăng ở mức 2,64% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước, dưới mức mục tiêu mà Quốc hội đặt ra (4,0%).

Bình luận và triển vọng

Việt Nam đồng mạnh lên đáng kể so với USD trong 8 tháng đầu năm, tác giả nhìn nhận đây là điều không quá bất ngờ khi xu hướng trong vài năm gần đây, nguồn cung ngoại tệ trong nước khá dồi dào đến từ thặng dư thương mại, nguồn vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối. Tính trong 8 tháng đầu năm 2021, khối nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện giải ngân vào các dự án tại Việt Nam lên đến 10,5 tỉ USD, mở rộng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.

 

Kiều hối về Việt Nam được Ngân hàng Thế giới công bố ở mức 14-17 tỉ USD/năm trong 5 năm qua, thuộc top 10 kiều hối trên toàn thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2021, kiều hối về TP.HCM được ghi nhận ở mức 3,2 tỉ USD, tăng 22,34% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào và tác động trực tiếp lên tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh tỉ giá can thiệp trên thị trường liên ngân hàng về mức 22,750 (tỉ giá mua vào giao ngay).

Dịch bệnh đã tác động trực tiếp lên cả nhu cầu và chuỗi cung ứng hàng hóa cục bộ tại nhiều địa phương. Việc ùn ứ trong lưu thông nông sản, thực phẩm đã tạo áp lực giảm lên giá thành của nhiều loại mặt hàng thiết yếu và không thiết yếu. Giá thịt heo hơi sáng 15/8 ghi nhận ở mức 51.000-55.000 đồng/kg, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước; giá lúa, gạo xuất khẩu giảm về mức thấp nhất trong vòng 1 năm, dịch vụ ăn uống bị giới hạn trong khi lương thực, thực phẩm là nhóm hàng hóa có quyền số cao nhất trong rổ tính CPI của Tổng cục Thống kê.

 

Các biện pháp giãn cách xã hội đang được nới rộng ở nhiều địa phương và nhất là TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ thêm 1 tháng sau ngày 15/8, dự kiến những khó khăn cho chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa vẫn còn tiếp diễn. Nhu cầu mua nguyên vật liệu để chuẩn bị cho giai đoạn sản xuất mới của các doanh nghiệp cũng trở nên thận trọng hơn, tác động trực tiếp lên nhu cầu thanh toán mua ngoại tệ trong nước. Tỉ giá nhiều khả nắng sẽ duy trì ở mức thấp và lạm phát dự kiến tiếp tục được kiểm soát ở mức an toàn trong thời gian tới.

Một đồng nội tệ quá mạnh là tín hiệu không tích cực ở góc độ thương mại khi chi phí sản xuất hàng hóa trong nước đắt lên tương đối, tác động đến xuất khẩu. Tuy nhiên trong bối cảnh đất nước đang đối phó với một cuộc khủng hoảng nhiều thách thức, một đồng nội tệ mạnh và áp lực mất giá tiền đồng ít đi sẽ củng cố niềm tin cho người dân và giới đầu tư.

Nhu cầu găm giữ ngoại tệ, vàng, chuyển đổi đồng nội tệ sang ngoại tệ, dòng vốn chảy ra nước ngoài nhiều khả năng sẽ không tăng đáng kể như những cuộc khủng hoảng trong nhiều năm về trước. Lạm phát được kiểm soát cũng sẽ là nền tảng cho nhà điều hành có thể tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, các ngân hàng thương mại có cơ sở để huy động vốn ở mức lãi suất thấp hơn.

Điều này tạo điều kiện cho các ngân hàng có thêm dư địa để giảm lãi suất cho vay, giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp, tạo tiền đề tích cực để toàn bộ nền kinh tế bước vào giai đoạn bình thường mới sau khi kiểm soát được dịch COVID-19.

Có thể bạn quan tâm:

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể sẽ tăng mạnh trong năm 2021

Nguồn Phạm Ngọc Trường