Thứ Ba | 26/11/2013 14:20

Đóng tiền thay nhập ngũ để mua sắm vũ khí

"Ở đây không có sự lựa chọn của công dân mà là lựa chọn của Nhà nước. Nhà nước yêu cầu đi thì anh phải đi".

"Rõ ràng nghĩa vụ là của mỗi công dân, nếu không trực tiếp làm nghĩa vụ thì phải làm việc khác để thay thế. Làm thế nào thì cũng nhằm mục đích xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc bằng nghĩa vụ dân sự khác. Ở đây không có sự lựa chọn của công dân mà là lựa chọn của Nhà nước. Nhà nước yêu cầu đi thì anh phải đi".

Trung tướng Trần Văn Độ, Phó Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Chánh án Toà án Quân sự Trung ương - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chia sẻ với Đất Việt như vậy xung quanh ý kiến có thể thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự (NVQS).

PV: - Mấy ngày nay, dư luận đặc biệt quan tâm tới phương án cho phép thanh niên được đóng tiền thay vì đi nghĩa vụ quân sự. Ông có thể nói rõ hơn cơ sở của việc cho phép đóng tiền thế thân nghĩa vụ quân sự này?

Trung tướng Trần Văn Độ: - Tham gia nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ của toàn dân. Nhưng Việt Nam hiện nay chỉ 5% gia nhập quân đội để làm nghĩa vụ, còn lại 95% không tham gia.

Rõ ràng nghĩa vụ là của mỗi công dân, nếu không trực tiếp làm nghĩa vụ thì phải làm việc khác để thay thế. Làm thế nào thì cũng nhằm mục đích xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc bằng nghĩa vụ dân sự khác.

Trung tướng Trần Văn Độ
Trung tướng Trần Văn Độ

Ví dụ như nghĩa vụ công an, lao động công ích, xây dựng các công trình quốc phòng nơi biên giới hải đảo… hoặc cũng có thể đóng tiền để dùng tiền đó củng cố quốc phòng, mua sắm trang bị vũ khí…

Chúng ta không nên suy nghĩ đóng tiền để thay thế. Tất cả đều là nghĩa vụ cả và quyền của Nhà nước là yêu cầu công dân phải thực hiện.

Nghĩa là nếu yêu cầu đi nghĩa vụ quân sự thì phải đi. Khi Nhà nước không bắt anh phải đi hoặc vì một điều kiện nào đó cả về khách quan và chủ quan (ví dụ đang là học sinh sinh viên, đang nghiên cứu công trình dang dở…) thì anh phải làm nghĩa vụ thay thế.

Không quy định nghĩa vụ thay thế vào Hiến pháp

Trao đổi với báo chí, ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết: Không quy định nghĩa vụ thay thế vào Hiến pháp vì Hiến pháp chỉ quy định nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ và là trách nhiệm thiêng liêng cao quý cao quý của mỗi công dân, cho nên quy định nghĩa vụ quân sự chứ không quy định nghĩa vụ thay thế.

Còn sau này, Luật nghĩa vụ quân sự nếu tính vào thực tiễn để quy định trường hợp A hay trường hợp B một cách cụ thể thì tính để đưa vào trong luật, chứ không đưa vào Hiến pháp, dù rằng hiện cũng có ý kiến đề nghị có nghĩa vụ thay thế.

Trước ý kiến nộp tiền thì không phải làm NVQS hoặc những người không làm NVQS thì phải làm nghĩa vụ khác?”, ông Lưu nói, vấn đề này, sau này sẽ tính, sau khi làm Luật NVQS sẽ tính cụ thể, vì trong Luật NVQS quy định cụ thể những điều kiện để làm NVQS, thí dụ như tuổi, điều kiện gia đình, sức khỏe… Nếu như đáp ứng đủ các điều kiện đó thì thực hiện NVQS, còn nếu không đáp ứng những điều kiện đó thì không phải làm.

PV: - Trước nhiều ý kiến cho rằng trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng là của toàn dân, không phân biệt giàu hay nghèo càng không thể quy thành tiền.... quan điểm của ông ra sao?

Trung tướng Trần Văn Độ: - Có một số người cho rằng làm như vậy là để cho người giàu ở nhà còn người nghèo đi nghĩa vụ là không phải.

Ở đây không có sự lựa chọn của công dân mà là lựa chọn của Nhà nước. Nhà nước yêu cầu đi thì công dân phải đi.

Tôi ủng hộ quan điểm này nhưng phải hiểu cho đúng đây đều là nghĩa vụ của công dân với Nhà nước. Nhà nước đưa ra hình thức nào thì công dân phải thực hiện chứ không có sự lựa chọn theo kiểu ai thích thế nào thì chọn phương án đó.

PV: - Thưa ông tại điều 77 của Hiến pháp Việt Nam quy định rõ: Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân. Căn cứ vào điều này thì phương án đóng tiền thay vì đi nghĩa vụ quân sự có bị coi vi hiến không? Tại sao, thưa ông?

Trung tướng Trần Văn Độ: - Nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Bảo vệ Tổ quốc rộng hơn đó là bảo vệ bằng các biện pháp quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao… trong tất cả các lĩnh vực này rõ ràng làm nghĩa vụ gì để thúc đẩy đều là thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

Còn nghĩa vụ quân sự là một trong những hình thức cụ thể của bảo vệ Tổ quốc.

PV: - Có ý kiến lo ngại nếu không tính toán kỹ bài toán kinh tế thì rất có thể sẽ có sơ hở phát sinh tiêu cực. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Giả sử phương án này được quyết định lựa chọn và đưa vào Luật, là một đại biểu quốc hội, ông có bấm nút thông qua không?

Trung tướng Trần Văn Độ: - Tôi nghĩ đã quy định thì phải làm thế nào cho chặt chẽ. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa là không có sự lựa chọn cho từng người để rồi nói tôi chọn cách này thay cho phương án kia.

Đây sẽ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước sẽ đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể. Hàng năm anh đến tuổi nghĩa vụ quân sự bảo anh đi là phải đi mà không cần biết đó là nhà giàu hay nhà nghèo, miễn là đủ điều kiện về sức khỏe.

Nếu được lựa chọn và đưa vào luật tôi cũng đồng ý với quan điểm này.

- Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!


Nguồn Báo Đất Việt


Sự kiện