Gian hàng của Công ty Cổ phần Cáp điện Thịnh Phát. Ảnh: Quý Hòa.
Dòng tiền nóng M&A
Ngược lại với không khí có phần ảm đạm trên thị trường chứng khoán, dòng tiền đầu tư vẫn âm ỉ tham gia vào các thương vụ rót vốn thời gian gần đây, với đích nhắm là các lĩnh vực nhiều tiềm năng như y tế, giáo dục, logistics, khu công nghiệp.
Điển hình là mới đây, ông Võ Tấn Thịnh, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cable), đã mua 11,9% cổ phần của Công ty Cổ phần Long Hậu, một trong những doanh nghiệp nổi tiếng trên lĩnh vực bất động sản công nghiệp và hậu cần. Đầu năm nay, ông Thịnh đã thu được một khoản tiền mặt đáng kể trong thương vụ bán toàn bộ 100% cổ phần tại Cáp điện Thịnh Phát cho Tập đoàn Stark (Thái Lan) với giá trị 240 triệu USD. Thương vụ cho thấy vị đại gia này đang có ý định quay trở lại với các dự án tiềm năng mới.
Thị trường logistics còn ghi nhận sự kiện Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) rót 70 triệu USD vào Công ty Giao nhận Hàng hóa ITL. Ngành logistics của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ do nguồn vốn FDI cao vào các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đi cùng thương mại điện tử bùng nổ.
Thị trường đang phân mảnh với tỉ lệ 95% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có năng lực cạnh tranh thấp. Vì vậy, theo chia sẻ của lãnh đạo IFC, điều này tạo ra động lực để tái cấu trúc ngành và một số thương hiệu sẽ có cơ hội bứt tốc vươn lên dẫn đầu.
Nhìn thấy cơ hội chăm sóc sức khỏe có chất lượng cao của người dân nhiều khả năng sẽ gia tăng đột biến hậu COVID-19, VinaCapital tiếp tục chọn các bệnh viện tư nhân làm đích nhắm. Mới đây, nhà đầu tư tài chính này đã rót 26,7 triệu USD để sở hữu cổ phần nhỏ (và một ghế trong Hội đồng Quản trị) của Bệnh viện Quốc tế Thu Cúc. Đây là thương vụ đầu tư vào bệnh viện thứ 2 của VinaCapital, sau khi đã rót 25 triệu USD vào Bệnh viện Tâm Trí năm 2018.
Hay như nhà đầu tư Nhật Aska Pharmaceutical đã ký thỏa thuận mua lại 24,9% cổ phần của Công ty Dược phẩm Hà Tây, hãng dược lớn thứ 2 tại Việt Nam xét về doanh thu. Ý đồ của Aska Pharmaceutical thông qua thương vụ này là giúp Công ty thiết lập chỗ đứng ở Đông Nam Á trong quá trình mở rộng ra quốc tế lần đầu tiên của Tập đoàn.
Nhưng mảng giáo dục mới là một trong những nơi chứng khiến các thương vụ mua bán cổ phần sôi động nhất. Myanmar Strategic Holdings, chẳng hạn, đã thâu tóm toàn bộ cổ phần trong chuỗi dạy tiếng Anh Wall Street English. Đáng chú ý, trong niên độ tài chính 12 tháng kết thúc vào tháng 4.2020, Wall Street English ghi nhận doanh thu khoảng 13,8 triệu USD và khoản lỗ 1,4 triệu USD. Với thương vụ chuyển giao toàn bộ cho Myanmar Strategic Holdings, chuỗi tiếng Anh này sẽ có cơ hội nhận thêm vốn để duy trì và mở rộng hoạt động ra khắp cả nước trong thời gian tới.
Đặc biệt hơn, Tập đoàn Galaxy Media and Entertainment cho biết sẽ đầu tư chi phối vào Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Giáo dục (Hocmai). Thương vụ này đánh dấu sự gia nhập chính thức của thương hiệu sản xuất và kinh doanh điện ảnh nổi tiếng vào lĩnh vực giáo dục trực tuyến đang ghi nhận tốc độ phát triển rất nhanh tại Việt Nam. “Sự hợp tác với Galaxy sẽ hỗ trợ, củng cố tầm nhìn của chúng tôi trong việc tạo ra và mang lại trải nghiệm học tập được cá nhân hóa với chất lượng cao, cho tất cả học sinh Việt Nam”, Tổng Giám đốc Hocmai Phạm Giang Linh nhận xét.
Không khó nhận ra mục tiêu của các nhà đầu tư. Đại dịch COVID-19 có thể xem là điểm kết thúc cho chu kỳ kinh tế cũ, đồng thời mở ra một chu kỳ phục hồi và tăng trưởng mới trong 8-10 năm tới. Việc tìm kiếm các dự án mới là nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh theo chu kỳ này. Bên cạnh đó, gia tăng rót vốn vào các lĩnh vực có tỉ suất sinh lợi khả quan cũng là cách để giới đầu tư ứng phó với môi trường lãi suất thấp dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài, nhất là các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc hay EU.
Cơ hội sở hữu các tài sản chất lượng cao sẽ mở rộng hơn cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh khi từ đây đến cuối năm, Chính phủ dự kiến sẽ tiến hành thoái vốn nhà nước tại 124 doanh nghiệp nhà nước (theo quyết định 908/QĐ-TTg). Trong đợt thoái vốn lần này, nổi bật có các tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực du lịch và bất động sản như Saigontourist, Benthanh Group và Hanoitourist...
Đây đều là những doanh nghiệp nắm giữ danh mục đầu tư bất động sản ấn tượng, với các khách sạn mang tính biểu tượng như Continental, Rex và Majestic, cũng như các bất động sản hiện đại như Caravelle Saigon. Đầu tư vào những doanh nghiệp đó không chỉ có nghĩa là khai thác ngành khách sạn sinh lời của Việt Nam mà còn khai thác thị trường bất động sản của Việt Nam.
Danh sách rơi vào diện thoái vốn còn có một số cái tên đáng chú ý như Tổng Công ty Dược Việt Nam, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hanel, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Vietnam Airlines, Tổng Công ty Xây dựng Đường thủy Việt Nam (Vinawaco), Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) và Tổng Công ty Viglacera.