Nguyễn Sơn Thứ Năm | 31/01/2019 07:30

Dòng tiền đầu tư vào giáo dục gia tăng

Sự hấp dẫn cực lớn của thị trường giáo dục trong nước bắt đầu lan tỏa.

2018 là năm rất sôi động của thị trường đầu tư giáo dục. Không chỉ thông qua con đường rót vốn đầu tư trực tiếp, nhiều thương vụ M&A đã được nhiều nhà đầu tư sử dụng để nhanh chóng tiếp cận với các thương hiệu giáo dục có quy mô lớn.

Những thương vụ ngàn tỉ

Một trong những thương vụ M&A đáng chú ý là việc Tập đoàn Nguyễn Hoàng bất ngờ thâu tóm Đại học Hoa Sen. Giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng để trở thành cổ đông lớn nhất của một thương hiệu có tiếng như Hoa Sen, số tiền mà Nguyễn Hoàng chi ra là không hề nhỏ. Cộng thêm tài sản mới này, quy mô mảng giáo dục tại Nguyễn Hoàng khá lớn với hơn 40 dự án, 50.000 sinh viên. Bên cạnh Hoa Sen, tập đoàn này còn sở hữu các trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Gia Định và Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong năm 2018, Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã khởi công thành phố giáo dục IEC ở Quảng Ngãi. Với tổng vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng, diện tích 10ha, dự án này sẽ trở thành bàn đạp để Nguyễn Hoàng tiến vào thị trường miền Trung.

Dong tien dau tu vao giao duc gia tang
 

Ngoài Nguyễn Hoàng, mảng giáo dục được nhiều nhà đầu tư khác để ý. Đơn cử như Công ty Đầu tư Phát triển Giáo dục Hutech đang sở hữu 2 trường lớn là Đại học Công nghệ TP.HCM và Đại học Kinh tế Tài chính. Tập đoàn FPT vận hành hệ thống Đại học FPT, Tập đoàn Tân Tạo sở hữu Đại học Quốc tế Tân Tạo, Hùng Hậu đầu tư Đại học Văn Hiến.

Hay ở khối từ trường mầm non đến cấp 3, làn sóng đầu tư cũng không kém phần sôi động. Vingroup có hệ thống Vinschool, Thành Thành Công sở hữu 19 trường tư thục ở Đồng Nai, Bến Tre, Lâm Đồng, Bình Dương, TP.HCM. Mới đây, Tập đoàn Thực phẩm TH Group cũng mở rộng ngành hàng đầu tư khi thành lập TH School.

Dong tien dau tu vao giao duc gia tang
 

Sức hấp dẫn của đầu tư giáo dục cũng thu hút các định chế tài chính nước ngoài. Quỹ đầu tư TPG đã rót 140 triệu USD vào Trường Quốc tế Việt Úc, EQT đầu tư vào chuỗi ILA, Quỹ IFC đầu tư vào chuỗi Việt Mỹ (VUS), Mekong Capital rót vốn vào Trung tâm Tiếng Anh Yola và mới đây, Quỹ TAEL Partners (Mỹ) lần đầu tiên tham gia vào thị trường Việt Nam thông qua thương vụ đầu tư cho chuỗi IAE.

Xu thế gia tăng đầu tư của dòng vốn tư nhân vào lĩnh vực giáo dục là dấu hiệu tích cực. Với quy mô vốn lớn, kinh nghiệm dày dạn, đi kèm nỗ lực mang các chương trình giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế vào thị trường nội địa, thế hệ trẻ sẽ được hấp thu một môi trường tri thức có chất lượng tốt hơn, đồng thời giảm bớt áp lực đầu tư cho ngân sách nhà nước. Đó còn là cơ hội kìm hãm phần nào dòng ngoại tệ chảy ra nước ngoài mỗi năm. Theo tính toán sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lượng ngoại tệ đầu tư ra nước ngoài cho giáo dục của các gia đình Việt Nam đã lên tới  3 tỉ USD mỗi năm.

Nhu cầu cao, dòng tiền ổn định

Theo bà Noeleen Goh, Giám đốc Đầu tư lĩnh vực tài sản thay thế của hãng tư vấn bất động sản JLL, tại các thị trường đi trước Việt Nam như Tokyo và Sydney, tỉ suất vốn hóa của các trường học luôn đứng ở top đầu (khoảng 6%), thậm chí còn cao hơn nhiều so với mảng bán lẻ hay văn phòng cho thuê (2-4%). “Ở Việt Nam, lĩnh vực đầu tư vào trường học và ký túc xá hiện chỉ mới ở giai đoạn chào sân hay phát triển. Cơ hội để mảng này tăng tốc trong thời gian tới là rất hấp dẫn”, bà Noeleen Goh chia sẻ với NCĐT.

Nếu so với các loại hình đầu tư khác, dòng tiền thu được từ mảng giáo dục được đánh giá cao hơn ở sự ổn định, thậm chí kéo dài đến 20 năm. Lý do là các gia đình thường ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục, ngay cả khi nền kinh tế đi xuống. Theo đánh giá của JLL, chỉ tính riêng trong phân khúc giáo dục phổ thông, nhu cầu tham gia các chương trình đẳng cấp quốc tế của người Việt đã tăng 64% trong giai đoạn 2012-2017, tức cao hơn cả mức tăng ấn tượng 44% của Đông Nam Á.

Dong tien dau tu vao giao duc gia tang
 

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 86, theo đó nâng mức trần tuyển học sinh địa phương trong các trường quốc tế (từ 10% đối với tiểu học, 20% đối với trung học cơ sở - trung học phổ thông lên mức 50%). Sửa đổi trong Nghị định 86 đem đến một cơ hội lớn cho các nhà đầu tư quan tâm đến việc xây dựng trường học quốc tế tại Việt Nam. Trước xu hướng tích cực này, trong 9 tháng đầu năm 2018, lĩnh vực giáo dục ghi nhận 46 dự án của nhà đầu tư nước ngoài với quy mô đăng ký 51 triệu USD.

"Việt Nam đang có nhiều ưu thế để phát triển lĩnh vực giáo dục, chỉ tính riêng ở TP.HCM, với hơn 50 trường quốc tế, thành phố này đang lọt vào 27 đô thị trên thế giới có quy mô trường học lớn nhất. Điều này phản ánh sự hấp dẫn cực lớn của thị trường giáo dục trong nước”, ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, nhận định.