Nuôi dê tại Thực phẩm Măng Đen
Dòng tiền đầu tư tìm cơ hội ở vùng kinh tế mới
Du nhập vào Việt Nam khoảng 5 năm trở lại đây, đến nay mô hình nuôi dê lấy sữa đã xuất hiện ở một số tỉnh thành, nhưng quy mô nhất phải kể đến trang trại dê sữa Măng Đen tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum thuộc sở hữu của Công ty CP Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen.
Trang trại này có hơn 8.000 con dê sữa lông trắng tinh đang được nuôi trong trang trại rộng 200ha. Muốn vào tham quan đàn dê, khách mời phải tuân thủ nhiều biện pháp bảo hộ, vệ sinh ngặt nghèo để đảm bảo không có nguồn bệnh lây nhiễm từ bên ngoài. Trang trại dê Măng Đen có 12 chuồng nuôi được xây cao cách mặt đất khoảng 1,5 mét, sàn bằng thanh gỗ có khe hở, mái cao, thoáng trên diện tích khoảng 22.000m2.
Ông Hoàng Minh Thành, quản lý trại dê sữa này, cho biết các chuồng đều được đánh số và phân loại để nuôi dê có độ tuổi, giống dê khác nhau để tiện chăm sóc, cho ăn. Ngoài ra, hơn 100 ha cỏ đã được trồng để chủ động nguồn thức ăn cho đàn dê. Theo ông Thành, năm 2016 Công ty đưa gần 1.000 con giống dê cao sản từ Pháp và Úc về Việt Nam bằng máy bay vận tải để phục vụ nhu cầu sữa dê trên thị trường.
Thời gian gần đây, các mô hình kinh doanh mới lạ xuất hiện tại các khu vực cách biệt – xa đô thị lớn ngày càng nhiều, đặc biệt là các dự án liên quan đến nông nghiệp organic, y tế - sức khỏe. Được lựa chọn nhiều là các “vùng đất mới” cho đầu tư, có nhiều yếu tố tự nhiên thuận lợi và chưa bị tác động nhiều bởi con người như Măng Đen, Bắc Vân Phong, Ninh Thuận, Bạc Liêu…
Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến mô hình thuỷ sinh hữu cơ (organic aquaculture) tại Ninh Thuận đã được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá là mô hình nông nghiệp điển hình cần nhân rộng; hoặc trang trại tôm giống sạch và thuần chủng do công ty Việt – Úc thực hiện ở tỉnh Bạc Liêu là trang trại nuôi tôm đầu tiên tại Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đặt ra bởi Tổ chức Thú y Thế giới (OIE)…
Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, vài năm trở lại đây, nhiều nhà phát triển bất động sản y tế (phần lớn là chủ các dự án xây dựng trung tâm điều trị, phục hồi, viện dưỡng lão hoặc mô hình bệnh viện kết hợp nghỉ dưỡng) cũng lặn lội khắp các tỉnh thành để tìm cho được địa điểm phù hợp. Đa số phải mất khá nhiều thời gian mới tìm được những vị trí vừa đáp ứng điều kiện giao thông, tách biệt đô thị, vừa phải tận dụng được yếu tố sinh thái để hỗ trợ tâm lý bệnh nhân đang điều trị.
Theo nhận định từ ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Phúc Nguyễn, trong quá trình hoàn thiện đề án "Trung tâm hỗ trợ phục hồi kháng ung thư" thì việc chọn lựa vị trí đất xây dựng gây đau đầu nhiều nhất. Ngoài các yếu tố cơ bản về hạ tầng thì với đặc thù là 1 trung tâm phục hồi sức khoẻ, vấn đề điều kiện thiên nhiên (cảnh quan thiên nhiên, môi trường không khí…) và thậm chí là năng lượng, thổ khí và phong thuỷ cũng là vấn đề cần chú ý.
Hiện dự án này đang trong những giai đoạn cuối cùng về mặt pháp lý và đã xác nhận chọn vùng đất Khánh Hoà làm địa điểm xây dựng. Theo đó, các khu vực đất chưa được khai thác nhiều, nhưng trong tương lai có tiềm năng lớn như Bắc Vân Phong (thuộc Khánh Hoà) khả năng cao sẽ là nơi được doanh nghiệp này chọn lựa đầu tư.
Bắc Vân Phong, điểm đến thu hút mô hình kinh doanh mới nhờ vị trí thuận lợi nhưng chưa bị con người can thiệp nhiều |
Đánh giá về sức hút của các vùng kinh tế mới sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, bà Nguyễn Nhất Ly, Phó chủ tịch Lean Group, cho rằng thực tế sức hút tại những vùng đất này không thay đổi, vì hầu hết đều sở hữu những lợi thế tự nhiên, vị trí cũng như chính sách đến từ nhà nước.
“Đất tuy không nằm ngoài vòng xoáy Covid-19 nhưng vẫn có mức lợi nhuận đủ an toàn và là kênh trú ẩn lâu dài cho nhà đầu tư. Một mảnh đất chưa được khai thác xây dựng hoàn toàn phù hợp với mọi nhu cầu trong bối cảnh thị trường đang thay đổi nhanh chóng. Đất thì có hạn, trong khi nhu cầu xây dựng vẫn luôn có nên lợi nhuận về lâu dài là chắc chắn", bà Nguyễn Nhất Ly chia sẻ.