Dòng tiền đang rời khỏi thị trường chứng khoán
Con sóng trước Tết
Một đợt tăng trưởng mà VN-Index tăng tới gần 24% trong tháng 12 và nửa đầu tháng 1/2013. Trong đó, nhiều cổ phiếu cá biệt tăng trên 50%. Đây là mức tăng mạnh kèm theo thanh khoản tăng dồn dập trong một thời gian ngắn.
Nếu tính từ phiên ngày 28/11/2012 đến phiên VN-Index tạo đỉnh ngày 16/1/2013 thì trong 34 phiên tăng trưởng, quy mô khớp lệnh mỗi ngày đạt trên 1.062 tỷ đồng. Đây là con số lớn so với mức bình quân trong 7 tháng trước đó chỉ dưới 600 tỷ đồng.
Con sóng khởi động từ tháng 12/2012 bắt nguồn từ hai vấn đề được quan tâm nhất là hạ lãi suất và giải cứu bất động sản. Đặc biệt là kế hoạch giải cứu bất động sản liên tiếp xuất hiện thông tin mới hỗ trợ tâm lý, nâng cao mức kỳ vọng trên thị trường. Các yếu tố này có thể hỗ trợ cho xu hướng trung và dài hạn, nhưng mức tăng trong con sóng vừa qua là mạnh, thậm chí hơi nóng. Cộng hưởng với đó là dòng vốn ngoại tham gia mua vào mạnh mẽ. Trong 10 phiên đầu tháng 1/2013, nhà đầu tư nước ngoài mua vào bình quân 229 tỷ đồng mỗi phiên trên cả hai sàn.
Rút tiền
Tâm lý nghỉ Tết sớm đã bắt đầu lan rộng trong số những người đã thoát khỏi thị trường trước khi xu hướng xấu đi. Giá cổ phiếu bắt đầu điều chỉnh mạnh nhưng thanh khoản vẫn suy giảm, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư ít quan tâm hơn đến cơ hội mua.
Báo cáo hôm 22/1 của công ty chứng khoán HSC cho rằng có hiện tượng nhà đầu tư đang giảm tiền mặt trong tài khoản và rút tiền ra trước dịp Tết. Theo thông tin của HSC, lượng tiền mặt trong tài khoản đã giảm khoảng 20% trong những phiên gần đây trong khi mức độ margin cũng không tăng.
"Tóm lại, trong ngắn hạn, thì tiền đang chắc chắn đang rời khỏi thị trường", phân tích ngày 22/1 của HSC nhận định.
Các quan điểm thận trọng cho rằng thị trường đã trả giá đủ, thậm chí hơi nhiều cho các thông tin hỗ trợ, trong khi để nâng đỡ thị trường nhiều hơn, cần có các số liệu cụ thể chứ không chỉ dừng ở thông tin. Chẳng hạn việc hạ lãi suất 1% trong tháng 12 đã góp phần tạo sóng, nhưng chưa đủ để xác nhận hiệu quả của xu hướng nới lỏng tiền tệ đủ để kích thích tăng trưởng. Độ trễ của chính sách thường kéo dài và sức mua trong nền kinh tế hiện tại vẫn chưa được cải thiện. Kế hoạch giải cứu bất động sản với việc thành lập công ty mua bán nợ cũng như kế hoạch biến nợ thành trái phiếu, hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho mua nhà giá rẻ cần thời gian để kiểm chứng hiệu quả.
Ảnh hưởng tới thị trường gần nhất là kết quả kinh doanh quý IV/2012 lại không có gì đặc sắc. Thông tin tích cực duy nhất chỉ nằm ở số ít doanh nghiệp tiếp tục báo lãi. Sự cải thiện nhất định trong kết quả kinh doanh quý IV chưa đủ để tạo được niềm tin cho thị trường. Ngay cả khối công ty chứng khoán có tiềm năng nhất nhờ sóng tăng cuối năm 2012 vừa qua đã xả được kho hàng tồn đọng lớn cũng không xuất hiện biến động lớn về giá cổ phiếu. Đơn giản là trước đó các cổ phiếu này đã có mức tăng trưởng khá tốt và nếu chỉ nhờ vào thông tin kết quả kinh doanh thì khó có thể bứt phá thêm được.
Nguồn VnEconomy