Đông Nam Á cấp tập xây kho dự trữ dầu khí
Theo Nikkei, Đông Nam Á có thể sẽ sớm nâng sản lượng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lên gấp đôi và trở thành một thị trường năng lượng quan trọng của thế giới, do nguồn cung tại đây chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Thái Lan phụ thuộc khí thiên nhiên
Tại thị trấn Map Ta Phut thuộc tỉnh Rayong bên bờ vịnh Thái Lan, các hoạt động xây dựng để mở rộng một cảng nhập LNG đã gần hoàn tất. Cảng này thuộc sở hữu của công ty dầu khí quốc doanh PTT (Thái Lan), và các nhà thầu xây dựng là IHI (Nhật Bản) và Posco Engineering (Hàn Quốc). Dự kiến, cơ sở này sẽ được vận hành vào tháng 3/2017 sắp tới. Dự án mở rộng sẽ có thêm bến cho tàu neo đậu và hai bể chứa dầu khổng lồ.
Khi hoàn tất, công suất tại cảng nhập khẩu Map Ta Phut sẽ tăng gấp đôi lên 10 triệu tấn mỗi năm. Nhiên liệu nhập về sẽ được chuyển đổi thành khí và được vận chuyển đến các nhà máy điện, khu công nghiệp và các mục đích khác bằng đường ống.
Thái Lan phụ thuộc vào nguồn khí thiên nhiên để sản xuất tới 60% sản lượng điện. Phần lớn nhiên liệu được sản xuất tại các nhà máy trong nước. Với trữ lượng khí sụt giảm trong khi nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, Thái Lan đang nỗ lực bù đắp sự thiết hụt từ các nguồn năng lượng tái tạo. Nhưng ngay cả khi mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, khí gas vẫn đóng góp khoảng 40% nhu cầu điện của nước này, đồng nghĩa nhiên liệu này sẽ phải nhập thêm từ nước ngoài. Công ty PTT sẽ sớm ký hợp đồng cung cấp khí trong 15 năm với Royal Dutch Shell và BP để tận dụng công suất mở rộng thêm.
Indonesia nhập ròng LNG vào năm 2030
Indonesia là một nước xuất khẩu tài nguyên lớn tại Đông Nam Á, tuy vậy, nước này cũng có thể sẽ bắt đầu nhập khẩu LNG từ năm 2019 nếu không phát triển thêm các mỏ dầu mới, theo lãnh đạo Bộ Năng lượng và Khoáng sản. Sản lượng dầu và khí sẽ sớm "hụt hơi" so với nhu cầu năng lượng của nước này, và các quan chức cho biết Indonesia có thể trở thành nước nhập khẩu ròng LNG vào năm 2030.
Công ty sản xuất năng lượng quốc doanh Pertamina đang mở thêm hai cảng nhập LNG, trong đó có một cảng ở tỉnh Trung Java, nhằm nâng công suất nhập khẩu hàng năm lên hơn 14 triệu tấn. Công ty này cũng lên kế hoạch xây thêm 9 bến cảng nhỏ nữa. Tổng thống Indonesia Joko Widodo muốn xây dựng các nhà máy điện với tổng công suất vào khoảng 35.000 MW trong giai đoạn 2015-2019, đưa nhu cầu về khí đốt gia tăng mạnh.
Việt Nam lo ngại sẽ thiếu điện
Về phần Việt Nam, vốn phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than (chiếm 40% sản lượng điện), cũng đã bắt đầu chuyển sang dùng khí đốt do ngành sản xuất than suy giảm và những lo ngại về vấn đề môi trường. PV GAS đang đầu tư xây dựng cảng LNG đầu tiên của Việt Nam tại cảng Thị Vải với tổng vốn 286 triệu USD. Bến cảng này có công suất 1 triệu tấn LNG/năm và được kỳ vọng hoàn tất đầu năm 2019. Tổng công ty cũng có kế hoạch xây cảng LNG thứ hai tại Sơn Mỹ (Bình Thuận).
Hiện Việt Nam đang lo ngại sẽ thiếu điện bởi nền kinh tế tăng trưởng vào khoảng 6%/năm. Tuy nhiên, những sự cố môi trường gần đây đang mở ra cơ hội cho khí LNG, bởi nhiên liệu này vốn được xem là sạch hơn so với các loại khác.
Singapore tham vọng là trung tâm giao dịch LNG
Singapore cũng muốn tăng dự trữ LNG nhiều hơn nhu cầu. Nước này đang xây dựng một bến cảng trên đảo Jurong nhằm tăng 80% công suất lên 11 triệu tấn vào năm 2017. Cơ sở mở rộng này có thể đưa công suất tại quốc đảo lên 15 triệu tấn trong tương lai.
Singapore hiện đang nhắm đến mục tiêu trở thành một trung tâm giao dịch khí đốt trong khu vực khi sàn giao dịch Singapore đã giới thiệu sản phẩm giao dịch LNG hợp đồng tương lai vào tháng Một năm nay.
Nhu cầu nhập khẩu LNG của 5 thành viên ASEAN và Nhật Bản. Nguồn: Nikkei/ Oxford Institute for Energy Studies |
Nhu cầu tăng, giá cũng tăng
Đầu tư toàn cầu vào LNG đã chậm lại cùng với sự giảm nhiệt nhu cầu tại Trung Quốc, nhưng bức tranh tổng thể đang cải thiện gần đây.
Hàn Quốc đã tạm đình chỉ hoạt động 4 lò phản ứng hạt nhân sau trận động đất hồi tháng Chín. Để bù đắp cho sự thiếu hụt năng lượng, nước này đang đẩy mạnh mua khí LNG, theo công ty nghiên cứu S&P Global Platts.
Trong khi đó, Trung Quốc đang ngày càng nhập nhiều LNG hơn kể từ khi nhiên liệu này có giá rẻ hơn so với dầu mỏ và các nhiên liệu hóa thạch khác, Simon Flowers tại công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie.
Cuối tháng 11, giá LNG giao ngay tại Đông Á leo dốc thêm 7 USD/triệu BTU, mức cao nhất kể từ tháng 12/2015. Mặt hàng này đã tăng mạnh hơn 70% so với mức thấp hồi tháng Tư.
Nhu cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong dài hạn, đặc biệt tại Đông Nam Á. Thái Lan, Singapore và Malaysia nhập khẩu khoảng 5,8 triệu tấn LNG trong năm 2015, theo Howard Rogers, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford. Kim ngạch này tương đương 2,4% tổng giao dịch trên toàn cầu. Năm 2021, những nước nói trên cùng với Việt Nam sẽ nhập khoảng 20 triệu tấn LNG, tăng lên khoảng 45-65 triệu tấn vào năm 2030 khi Indonesia cũng sẽ gia nhập vào cuộc chơi này.
Dù vậy, theo Rogers, Nhật Bản vẫn là nước nhập nhiều LNG nhất thế giới, với kim ngạch vào khoảng 74 triệu tấn năm 2030. Với 66 triệu tấn, Trung Quốc đứng thứ hai. Các công ty Đông Nam Á có thể bắt tay với Nhật Bản để mua khí đốt từ các nhà sản xuất Trung Đông và các nơi khác.
Các nhà sản xuất lớn từ Trung Đông và Australia đang chịu áp lực lớn trước sản lượng dầu Mỹ đang gia tăng, vốn có triển vọng trở thành bạn hàng lớn của thị trường Đông Nam Á.
An Phong
Nguồn Nikkei