Mặc dù có nhiều thử thách, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng vẫn sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất khu vực ASEAN. Ảnh: Shutterstocks
Động lực tiêu dùng 2025
Nếu trong năm 2024, xuất khẩu là 1 trong 2 động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, thì năm 2025, động lực xoay chiều vào bên trong với việc tiêu dùng nội địa được dự báo sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Trợ lực tăng trưởng
Mặc dù có nhiều thử thách, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng vẫn sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất khu vực ASEAN. Kết quả khả quan của quý III/2024 là lý do chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng năm nay lên 7%, nhưng vẫn giữ mức dự báo 6,5% cho năm 2025. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi hoạt động mạnh mẽ của khu vực xuất khẩu, giúp bù đắp một số thách thức kinh tế trong nước, chẳng hạn như những vấn đề về thị trường bất động sản và việc chậm triển khai các dự án cơ sở hạ tầng của Chính phủ.
Trong năm tới, chúng ta sẽ thấy sự xoay chiều từ xuất khẩu vào kinh tế nội địa, nhưng đừng quá cực đoan cho rằng xuất khẩu sẽ sụp đổ và tiêu dùng trong nước sẽ dâng lên như nước lũ. Nhìn từ góc độ lợi nhuận biên, tiêu dùng tư nhân và kinh tế trong nước đang tăng tốc dù vẫn thấp hơn so với trước đại dịch, trong khi xuất khẩu đang giảm tốc. Con số 6,5% tăng trưởng GDP sẽ vẫn đạt được, nhưng sự đóng góp sẽ dịch chuyển đôi chút.
Một số dấu hiệu chỉ ra thương mại toàn cầu đang hạ nhiệt như đơn đặt hàng giảm tại nhiều nền kinh tế và chỉ số PMI đồng loạt giảm. Vì vậy, có khả năng vai trò động lực tăng trưởng của xuất khẩu sẽ trở nên kém mạnh mẽ hơn và chúng tôi lạc quan hơn về phía tiêu dùng vì lạm phát tiếp tục giảm tốc. Sau giai đoạn sốc vì lạm phát cao, tỉ lệ tăng giá của rổ hàng hóa trong nước đang giảm, giúp cải thiện sức mua và niềm tin của người tiêu dùng.
Mặt khác, thị trường bất động sản đã chạm đáy và đang quay trở lại. Một số dự án FDI đang đổ vào thực chất là hướng đến thị trường bất động sản và đây là tín hiệu nhà đầu tư nước ngoài tin rằng đã đến lúc phải tiếp cận các dự án chiến lược. Tuy vậy, tiến trình phục hồi sẽ không xảy ra nhanh chóng mà mất khoảng 2 năm để hấp thụ hết nguồn cung dư thừa.
Ngoài ra, trong năm tới, chi tiêu chính phủ được kỳ vọng sẽ nhanh hơn sau khi quá trình chuyển đổi trong chính quyền trung ương trong năm 2024 hoàn tất. Sự cộng hưởng của việc đẩy nhanh những dự án hạ tầng sẽ là trợ lực cho tiêu dùng trong nước và đầu tư tư nhân.
Với việc Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất rất lâu trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã tạo cho mình một khoảng không để xoay xở. Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách nới lỏng và giữ lãi suất chính sách ở mức 4,5% cho đến hết năm 2025. Việc điều hành chính sách tài khóa hiệu quả sẽ giúp ích nhiều cho việc phát triển kinh tế hơn là cắt giảm lãi suất thêm.
Thách thức từ bên ngoài
Với việc tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 16 FTA đang có hiệu lực, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở rất cao. Vì vậy, khi xem xét triển vọng kinh tế cần tính đến ảnh hưởng của những nền kinh tế lớn trên thế giới với Việt Nam.
Chúng tôi cho rằng môi trường thương mại bên ngoài, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là một rủi ro với Việt Nam. Xuất khẩu có thể sẽ giảm nếu kinh tế Mỹ hạ cánh cứng trong khi kinh tế châu Âu đang yếu. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa vào đầu tư. Năng lực sản xuất của họ đủ để đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa và hàng hóa Trung Quốc đang tràn ngập khắp thế giới sau khi tiêu dùng trong nước có phần suy yếu sau đại dịch, đe dọa các nền kinh tế lớn trong khu vực.
Có 3 kịch bản cho Việt Nam nếu ông Donald Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm nay. Kịch bản đầu tiên cho rằng Trung Quốc là mục tiêu chính trong cuộc chiến thuế quan của ông Trump và Việt Nam có thể được hưởng lợi khi các nhà sản xuất thực thi chính sách đa dạng hóa nhà máy bên ngoài Trung Quốc.
Kịch bản thứ 2 là ông Trump có thể tấn công bất kỳ ai và cũng có thể áp dụng thuế quan với Việt Nam, một quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ. Tuy hậu quả có thể tàn khốc, nhưng kịch bản này ít có khả năng xảy ra vì Mỹ sẽ lạm phát cao nếu đánh thuế tất cả mọi người và xét đến yếu tố địa chính trị liên quan tới vị trí chiến lược của Việt Nam.
Một kịch bản khác đáng để suy nghĩ là ông Trump có thể không chỉ áp dụng thuế quan, mà cũng có thể theo đuổi việc thao túng tiền tệ. Nếu kịch bản này xảy ra, Việt Nam sẽ chịu áp lực tăng giá đồng nội tệ. Nhưng hậu quả có thể không quá tệ vì Việt Nam vốn có tính cạnh tranh cao. Chúng tôi cho rằng ngoài việc nền kinh tế có thể hấp thụ được mức tăng 10-15% của đồng nội tệ, những loại tiền tệ khác cũng chịu áp lực, vì vậy tất cả đều tăng. Đặc biệt, một đồng tiền mạnh hơn sẽ có lợi cho nhu cầu trong nước và cho phép nền kinh tế dịch chuyển phần nào khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu.