Tuyến Metro TP.HCM. Ảnh: TL.

 
Kim Anh Thứ Hai | 14/09/2020 13:30

Động lực tăng trưởng từ đầu tư công và xuất khẩu

Giới phân tích cho rằng đầu tư công và xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính trong những tháng tới.

Nhằm đảo ngược xu hướng giảm của tăng trưởng, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công trong bối cảnh các động lực tăng trưởng chính khác suy yếu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, giải ngân đầu tư công 8 tháng đầu năm 2020 tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2019, lên mức 250.500 tỉ đồng (cao hơn mức tăng 27,2% trong 7 tháng đầu năm 2020). Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, giá trị giải ngân đầu tư công đạt hơn 50,7% kế hoạch cả năm 2020 đã điều chỉnh.

 

Theo quan điểm của Công ty Chứng khoán VNDirect, đầu tư công sẽ được thúc đẩy nhanh hơn nữa trong những tháng tới do Chính phủ có kế hoạch triển khai 3 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông ngay trong tháng 9 này. Các dự án này bao gồm đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

3 dự án thành phần này có tổng mức đầu tư lên tới 54.000 tỉ đồng (chiếm 45% tổng giá trị đầu tư của toàn tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông), đã được Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư từ đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công.

Trong báo cáo chiến lược được công bố hồi tháng 4.2020, VNDirect đã thực hiện ước tính cơ cấu chi phí của các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, dựa trên 2 yếu tố. Thứ nhất, dự toán chi phí xây dựng được quy định tại Thông tư 09/2019/TT-BXD (ban hành ngày 26.12.2019) của Bộ Xây dựng. Thứ 2, cơ cấu chi phí của các dự án cao tốc đã được thực hiện tại Việt Nam trong giai đoạn 2015-2018.

Với kịch bản cơ sở của VNDirect, khoảng 40% vốn đầu tư công sẽ được giải ngân tại 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, và việc xây dựng sẽ cần đến khoảng 8.900 tỉ đồng nhựa đường, 7.600 tỉ đồng thép xây dựng và 3.800 tỉ đồng xi măng.

VNDirect ước tính cơ cấu chi phí của các dự án cao tốc tại Việt Nam.
VNDirect ước tính cơ cấu chi phí của các dự án cao tốc tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, VNDirect nhận thấy nhu cầu đá xây dựng sẽ nhận cú hích lớn nhất, khi nhu cầu đá của các dự án này tương đương với khoảng 30-35% công suất khai thác được cấp phép của các doanh nghiệp khai thác trong khu vực. Ngoài ra, để hoàn thành 100% các dự án trên, VNDirect ước tính chi phí cho nhựa đường, thép xây dựng và xi măng sẽ cần lần lượt 22.300 tỉ đồng, 19.100 tỉ đồng và 9.500 tỉ đồng.

Trong làn sóng đầu tư công, nhiều doanh nghiệp đã hưởng lợi lớn, không chỉ đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh mà còn là động lực thúc đẩy giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trên sàn.

Xuất khẩu tăng tốc

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu tháng 8 ước tăng 6,5% so với tháng trước lên mức 26,5 tỉ USD, lập kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu theo tháng. Lũy kế 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tăng 1,5% so với cùng kỳ lên mức 174,1 tỉ USD. Đặc biệt động lực kéo xuất khẩu tăng trưởng đến từ khối doanh nghiệp trong nước, với tổng giá trị xuất khẩu của khối ước đạt 60,8 tỉ USD, tăng 15,3% so với 8 tháng đầu năm 2019. Trong khi đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2019, xuống mức 113,3 tỉ USD.

Trong nhóm hàng xuất khẩu, các mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong tháng 8.2020, tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, đồ gỗ (62,1%), thép (47,7%), máy móc và thiết bị phụ tùng (43,6%), đá quý (37%), giấy và các sản phẩm liên quan (21,9%), xi măng và clinker (15,8%), máy tính và các sản phẩm điện tử (15%).

Nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng mạnh trong tháng 8.2020. Nguồn: TCTKVN, VNDirect, NCĐT.
Nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng mạnh trong tháng 8.2020. Nguồn: TCTKVN, VNDirect, NCĐT.

Về nhập khẩu, giá trị nhập khẩu tháng 8.2020 tăng 8,6% so với tháng trước lên mức 24 tỉ USD và tăng 7,3% so với tháng 8.2019. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị nhập khẩu giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức 163,2 tỉ USD. Nguyên nhân được chỉ ra là do nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp tăng cao và thu nhập của người lao động sụt giảm.

Do vậy, lũy kế 8 tháng đầu năm ghi nhận mức xuất siêu lên tới 10,9 tỉ USD, cao gấp đôi so với mức xuất siêu 5,4 tỉ USD của cùng kỳ 2019 và tăng 8,4 tỉ USD so với mức xuất siêu trong 7 tháng đầu năm 2020. VNDirect dự báo giá trị xuất khẩu năm 2020 có thể tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước lên 268,6 tỉ USD và nhập khẩu giảm 0,4% so với cùng kỳ 2019 xuống mức 252,2 tỉ USD.

Theo đó, VNDirect ước tính thặng dư thương mại năm 2020 có thể tăng 44% so với năm 2019 lên mức 16,4 tỉ USD. 

Công ty chứng khoán này cũng cho rằng thặng dư thương mại gia tăng sẽ hỗ trợ tăng trưởng GDP cũng như góp phần ổn định giá trị đồng Việt Nam so với các đồng tiền khác.

* Có thể bạn quan tâm 

►Cienco4 và cú hích từ đầu tư công

►Điểm sáng trong ngành dệt may giai đoạn cuối năm