Động lực IPO từ ACV
Sau nhiều lần trễ hẹn, Bộ Giao thông Vận tải gần đây cho biết sẽ trình lên Thủ tướng phương án cổ phần hóa Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ngay trong tháng này và sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong quý III. Đợt IPO của ACV, một trong những doanh nghiệp quan trọng nhất và lớn nhất trong ngành vận tải Việt Nam, được kỳ vọng sẽ góp phần tạo sức lan tỏa thúc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa 289 doanh nghiệp nhà nước trong năm nay. Vậy ACV có gì hấp dẫn?
ACV được thành lập vào tháng 2.2012 trên cơ sở sáp nhập 3 tổng công ty cảng hàng không hàng đầu là Tổng Công ty Cảng hàng không Miền Bắc, Tổng Công ty Cảng hàng không Miền Nam và Tổng Công ty Cảng hàng không Miền Trung. Hiện tổng công ty này đang quản lý và khai khác 22 cảng hàng không từ Bắc đến Nam, trong đó có Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng Nội Bài, Cảng Đà Nẵng, Cảng Cần thơ (và có thể là cả Cảng sân bay quốc tế Long Thành trị giá hàng chục tỉ USD trong tương lai nếu Quốc hội cho phép siêu dự án này được triển khai). Vị thế độc quyền của ACV trong quản lý các dịch vụ mặt đất và khai khác cảng hàng không sẽ là yếu tố hấp dẫn đầu tiên đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Quy mô tài sản của ACV cũng rất lớn, lên tới 37.000 tỉ đồng vào cuối năm 2014 trong khi bảng cân đối tài sản khá lành mạnh với tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu vào khoảng 1:1. Và trái với “người anh” Vietnam Airlines, ACV dường như hoạt động hiệu quả hơn nhiều. Trong năm 2014, doanh thu của tổng công ty này đạt 8.571 tỉ đồng với lợi nhuận trước thuế 1.256 tỉ đồng. Và tính đến tháng 6.2014, ACV có khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên đến 1.900 tỉ đồng, với lượng tiền mặt 1.675 tỉ đồng. Trong khi đó, Vietnam Airlines, dù ghi nhận doanh thu hợp nhất lên đến gần 72.000 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 647 tỉ đồng.
Điểm hấp dẫn của ACV còn đến từ tiềm năng của ngành hàng không Việt Nam. Về phương diện vận chuyển hành khách, theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), thị trường hàng không nội địa của Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng khá nhanh, lên đến 15%/năm cho giai đoạn 2014-2018. Dân số tăng, ngành du lịch cải thiện, cùng với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài khởi sắc hơn sẽ là những động lực để ngành hành không tăng trưởng mạnh.Về phương diện vận chuyển hàng hóa ngành hàng không, báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Business Monitor International cho thấy sau khi sụt giảm mạnh vào năm 2012, lĩnh vực này đã phục hồi trở lại trong những năm sau đó. Tốc độ tăng trưởng trung bình cho giai đoạn 2010-2018 được dự báo sẽ khá ổn định, khoảng 3%/năm để tiến tới cột mốc 223.040 tấn vào năm 2018.
Một động lực cho mức tăng trưởng này đến từ sự mở rộng đầu tư tại Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Canon, Intel, LG, khi đòi hỏi thời gian đáp ứng nghiêm ngặt và tính đảm bảo an toàn cao trong vận chuyển. Ngoài ra, việc gia nhập các hiệp định kinh tế thương mại lớn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC), các hiệp định thương mại tự do với châu Âu và Liên minh Kinh tế Á - Âu cũng sẽ mang lại cơ hội lớn cho ngành vận tải và dịch vụ hàng không Việt Nam.
Theo đánh giá mới đây của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam đang là thị trường tăng trưởng nhanh thứ ba trên thế giới. Chính phủ Việt Nam cũng đặt tham vọng sẽ có mặt trong top 5 thị trường hàng không lớn nhất khu vực ASEAN vào năm 2020.
Khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam |
Với tiềm năng tăng trưởng chung của ngành, cùng vị thế lớn của ACV trên thị trường khai khác cảng hàng không, thương vụ IPO của tổng công ty này được đánh giá sẽ rất hứa hẹn trong năm nay, bên cạnh các thương vụ lớn khác được kỳ vọng như thương vụ cổ phần hóa Mobifone hay IPO các tổng công ty phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Những thương vụ này sẽ tạo động lực mới cho công cuộc tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Hãy quay trở lại với ACV. Một thông tin đáng chú ý là trong đợt cổ phần hóa lần này, ACV cũng sẽ tìm đối tác chiến lược để bán khoảng 20% vốn. Cơ cấu sở hữu của Nhà nước sẽ giảm về mức 75% và tiến tới sẽ còn 65%. Hiện đã có một số nhà đầu tư tên tuổi tỏ ra quan tâm đến thương vụ cổ phần hóa ACV.
Tháng 9.2014, tập đoàn quản lý hàng không của Pháp Aéroports de Paris (ADP) đã ngỏ ý muốn trở thành đối tác chiến lược của ACV. Hiện ADP đang tham gia vận hành 32 sân bay trên toàn thế giới và là tập đoàn quản lý sân bay lớn thứ hai thế giới về doanh thu, đứng đầu thế giới về việc vận chuyển hàng hóa, thư từ bằng đường hàng không. Bên cạnh ADP, các tập đoàn lớn từ Trung Đông cũng có thể là nhà đầu tư tiềm năng tham gia vào thương vụ cổ phần hóa ACV.
Năm ngoái, hai công ty con của ACV là Công ty Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) và Công ty Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS) đã có những đợt chào bán cổ phần rất thành công khi tỉ lệ đặt mua vượt xa tỉ lệ đặt bán. Trong đó, nhóm công ty của doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn đã thâu tóm 23,6% cổ phần của SASCO.
Nguồn NCDT