Đồng loạt hiến kế 'giải cứu' kinh tế
Bớt ưu đãi DN nhà nước
Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, ông Preben Hjortlund cho rằng, Việt Nam có 3 vấn đề cần giải quyết là: Chính sách giá, vai trò của các DN nhà nước, và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, vai trò của các DN nhà nước hiện nay cần có sự xem xét lại.
Ước tính cho thấy, khu vực DN nhà nước đang chiếm tới 40% toàn bộ nền kinh tế. Vấn đề ở chỗ, các DN nhà nước nhìn chung được ưu đãi nhiều hơn, thông qua các khoản vay, tiếp cận đất đai, chỉ tiêu lợi nhuận thấp, và thường hoạt động không hiệu quả. Điều này kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Jung In, cho rằng, Chính phủ chưa triển khai triệt để quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DN nhà nước. Đây tiếp tục là vấn đề lớn vì dư nợ của các DN nhà nước đã lên đến khoảng 145.000 tỷ đồng, trong đó có tới khoảng 20%-30% nợ khó đòi. Để đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế tại Việt Nam, Chính phủ cần thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu, cổ phần hóa DN nhà nước.
“KorCham đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính tiến hành tái cơ cấu ngành ngân hàng theo lộ trình để tránh cho các ngân hàng thương mại trong nước rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán”, ông Kim Jung In nói.
Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam Mark Gillin, cho rằng, nhiều vấn đề được thảo luận hôm nay không phải chỉ riêng của Việt Nam. Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên gặp phải những vấn đề về ngân hàng và nợ xấu.
Một cảnh báo đáng quan ngại, theo đánh giá của Hiệp hội doanh nghiệp Úc tại Việt Nam (AuS Cham), Việt Nam đang mất dần lợi thế thu hút FDI nếu không có những bước cải cách mạnh mẽ hơn. Hiện các nước ASEAN khác như Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Myanmar giờ đã nổi lên như những điểm đến đầu tư hấp dẫn. Vì vậy, ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh trong khu vực.
Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu cũng có thể ảnh hưởng đến FDI. Tuy nhiên vốn FDI toàn cầu đã tăng lên trong vài năm qua. “Nếu Việt Nam không tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn thì nguồn vốn FDI có thể tiếp tục bị sụt giảm”, đại diện AusCham nói.
Ưu tiên xử lý nợ xấu
Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, việc triển khai Thông tư 02 (phân loại nợ xấu) sẽ tạo điều kiện và cho phép các ngân hàng được trích lập dự phòng ở mức sát hơn với thông lệ quốc tế. Nhóm công tác ngân hàng cũng đưa ra một loạt các đề nghị với Ngân hàng Nhà nước để ngành ngân hàng có thể phát triển mạnh hơn.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét lộ trình dỡ bỏ biên độ giao dịch ngoại hối, cho phép giao dịch kỳ hạn mà không bị hạn chế hành chính; cho phép thực hiện quyền chọn tiền đồng, dỡ bỏ giới hạn 30% vốn tự có đối với giá trị danh nghĩa của các giao dịch phát sinh; dỡ bỏ trần lãi suất và hướng dẫn về việc tính giá trị ròng để bù trừ trạng thái hoặc nghĩa vụ trong các hợp đồng phát sinh.
Trước những kiến nghị trên, ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, vừa qua NHNN đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm xử lý nợ, gồm việc gia tăng trích lập dự phòng rủi ro, thử nghiệm xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng.
“Việc thay đổi thời gian thực hiện Thông tư 02 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận vay vốn ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy tín dụng cho nền kinh tế; giúp cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thêm thời gian chủ động xây dựng lộ trình thực hiện; góp phần tích cực và chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu”, ông Hưng nói.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, vấn đề quan trọng nhất thời gian tới là tháo gỡ khó khăn cho DN. Chính phủ đã đặt ra 5 mục tiêu quan trọng trong việc giải quyết vấn đề này.
Theo đó, tập trung giải quyết nợ xấu, tạo điều kiện cho DN vay và nâng cao hiệu quả của các ngân hàng. Chính phủ sẽ hỗ trợ, tăng sức mua, tổng cầu, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa đồng thời xem xét các chính sách giãn, hoãn thuế, đẩy mạnh xuất khẩu.
Chính phủ cũng sẽ tiến hành tái cơ cấu trong một số lĩnh vực cụ thể, xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, tiến hành thoái vốn tại một số doanh nghiệp không cần kiểm soát.
(Theo Tienphong)